Thông báo tình hình sâu bệnh tháng 7, dự báo tình hình sâu bệnh tháng 8 và BPPT
Tam Nông - Tháng 8/2017

(Từ ngày 01/08/2017 đến ngày 31/08/2017)

CHI CỤC BVTV TỈNH PHÚ THỌ

TRẠM BVTV TAM NÔNG


Số: 43/TB-BVTV

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


           Tam Nông, ngày 03 tháng 8 năm 2017

THÔNG BÁO  

Tình hình sâu bệnh tháng 7/2017

 Dự báo tình hình sâu bệnh tháng 8/2017


I/ TÌNH HÌNH SÂU BỆNH HẠI LÚA TRONG THÁNG 07/2017:

- Bệnh sinh lý (Vàng lá): Tỷ lệ dảnh hại trung bình 1,8 - 6,3%; cao 10 - 12%; cục bộ 22 - 38% (Dậu Dương, Hương Nộn, Tam Cường, Tứ Mỹ, Phương Thịnh, Quang Húc,…). Diện tích nhiễm  454,8 ha (nhiễm nhẹ 261,6 ha, nhiễm trung bình 193,2 ha); diện tích đã phòng trừ 247,6 ha. (Những diện tích khắc phục, cây lúa đã ra rễ và lá mới đang sinh trưởng và phát triển bình thường).

- Sâu cuốn lá nhỏ: Mật độ trung bình 8-16 con/m2, cao 24 - 48 con/m2, cục bộ 56 con/m2 (Hương Nộn, Tam Cường, Tứ Mỹ, Xuân Quang, Thanh Uyên, Hương Nha, Hiền Quan,…). Diện tích nhiễm 261,2 ha (nhiễm nhẹ 151,2 ha, nhiễm trung bình 110 ha); diện tích đã phòng trừ 178,7 ha.

- Bệnh khô vằn: Tỷ lệ bệnh trung bình  2,8 - 7,6%, cao 12 - 18%, cục bộ ruộng 26% (Thanh Uyên, Hương Nha, Tứ Mỹ, Tam Cường, Hương Nộn, Dậu Dương,…). Diện tích nhiễm 192,1 ha (nhiễm nhẹ 110 ha, nhiễm trung bình 82,1 ha); diện tích đã phòng trừ 82,1 ha.

- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Nguồn bệnh đã phát sinh với Tỷ lệ lá hại trung bình 1,5-6,2 %, cao 9-12%, cục bộ ruộng 17% (Tứ Mỹ, Thượng Nông,…). Diện tích nhiễm 27,9 ha (chủ yếu nhiễm nhẹ); diện tích đã phòng trừ 27,9 ha. Trên diện tích đã phòng trừ bệnh đã dừng và không phát triển lây lan thêm.

- Rầy các loại: Mật độ trung bình 35 - 80 con/m2, cao 120 - 240 con/m2, cục bộ 480 con/m2 (Quang Húc, Hồng Đà,…).

- Chuột: Tỷ lệ dảnh hại trung bình 0,6 - 2,0%, cao 4,0 %. Diện tích bị hại 41,2 ha (chủ yếu nhiễm nhẹ) tại các xã Tam Cường, Quang Húc, Thanh Uyên, Hương Nha,….

- Ngoài ra: Sâu đục thân, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn xuất hiện hại rải rác.

II/ DỰ BÁO TÌNH HÌNH SÂU BỆNH HẠI LÚA THÁNG 08/2017:

- Sâu cuốn lá nhỏ: Sâu non đang chuyển lứa, trưởng thành sẽ ra rộ từ ngày 04 - 8/8/2017; sâu non lứa 6 gây hại từ ngày 12/8/2017 trở đi và gây hại mạnh trên các trà lúa mùa. Dự kiến diện tích cần phòng trừ khoảng trên 1100 ha. Các xã cần đặc biệt quan tâm chỉ đạo phòng trừ lứa sâu này.

- Sâu đục thân hai chấm: Trưởng thành sâu đục thân 2 chấm lứa 4 sẽ ra rộ từ ngày 06 - 11/8/2017, sâu non gây hại từ 12/8/2017 trở đi trên các trà lúa mùa, mức độ hại nhẹ đến trung bình. Các xã cần chú ý: Dậu Dương, Dị Nậu, Hương Nộn, Tam Cường, Tứ Mỹ, Xuân Quang, Thanh Uyên, .... Dự kiến diện tích cần phòng trừ khoảng 450 ha.

- Bệnh khô vằn: Bệnh tiếp tục phát sinh và gây hại trên tất cả các trà lúa mùa, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những ruộng lúa xanh rậm rạp, bón nhiều đạm và bón phân không cân đối. Các xã cần lưu ý: Dậu Dương, Dị Nậu, Hương Nộn, Tam Cường, Tứ Mỹ, Xuân Quang, Thanh Uyên ,... Dự kiến diện tích cần phòng trừ trong tháng 8 khoảng trên 700 ha.

- Bệnh sinh lý (Vàng lá): Tiếp tục gây hại, mức độ nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những chân ruộng trũng không chủ động tiêu thoát nước, ruộng hẩu, ruộng dộc chua, ... . Các xã cần lưu ý: Dậu Dương, Hương Nộn, Tam Cường, Cổ Tiết, Tứ Mỹ, Phương Thịnh, Quang Húc,... .

- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Thời gian tới tiếp tục có mưa lớn kèm theo dông bão, bệnh dễ phát sinh gây hại, nhất là trên những diện tích đã xuất hiện nguồn bệnh, trên giống nhiễm (Nhị ưu số 7, nhị ưu 838, Thiên ưu 8, GS9,...). Các xã cần lưu ý: Thượng Nông, Hương Nộn, Tứ Mỹ, ...

- Ngoài ra: Rầy các loại tiếp tục tích lũy mật độ, gây hại rải rác; bọ xít dài gây hại cục bộ trên những diện tích lúa trỗ sớm; chuột tiếp tục gây hại cục bộ trên những diện tích ven làng, gò, ven trang trại chăn nuôi...

III/ BIỆN PHÁP CHỈ ĐẠO PHÒNG TRỪ:

1. Biện pháp chỉ đạo:

Tháng 8/2017 là thời kỳ cao điểm sâu bệnh gây hại lúa vụ mùa, đề nghị UBND các xã và thị trấn chỉ đạo các tổ khuyến nông, HTX nông nghiệp và bà con nông dân tăng cường kiểm tra phát hiện và phòng trừ triệt để các ổ sâu bệnh, không để sâu bệnh lây lan, gây hại nặng.

2. Kỹ thuật phòng trừ:

- Sâu cuốn lá: Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, kết hợp áp dụng các biện pháp thủ công để bắt giết trưởng thành và sâu non. Khi ruộng lúa có mật độ sâu cao trên 20 con/m2 cần tiến hành phòng trừ bằng thuốc ví dụ như: Clever 300WG, Dylan 10WG, Rigell 800WG, Tasieu 5WG, Alocbale 40EC, F16 600EC, Virtako 40WG...

- Sâu đục thân: Áp dụng biện pháp thủ công bẫy đèn, vợt bắt bướm, ngắt ổ trứng. Khi phát hiện ruộng lúa có mật độ trưởng thành cao trên 0,3 con/m2 hoặc ổ trứng cao trên 0,3 ổ/m2 cần tiến hành phòng trừ  bằng thuốc ví dụ như: Victory 585EC, Nicata 95SP, Rigell 800 WG, Wavotox 585EC, F16 600EC,...

Thời gian phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ và sâu đục thân tốt nhất từ ngày 12/8 - 18/8/2017.

- Bệnh khô vằn: Khi phát hiện ruộng lúa nhiễm bệnh có tỷ lệ dảnh hại trên 20%, tiến hành phun trừ ngay bằng thuốc ví dụ như:  Cavil 50WP, Valicare 8SL, Lervil 50SC, Jinggangmeisu 3SL, Valivithaco 5SL, Chevil 5SC...

- Bệnh sinh lý: Khi ruộng lúa bị bệnh không bón phân đạm, tăng cường làm cỏ sục bùn. Khắc phục bằng cách bón 10-15 kg vôi bột + 10-15 kg supe lân kết hợp với làm cỏ sục bùn, hoặc sử dụng chế phẩm bổ sung dinh dưỡng và giải độc cho lúa như XO Sogan siêu ra rễ; XO siêu lân, ...

- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Khi ruộng chớm bị bệnh, cần dừng ngay việc bón phân hóa học, nhất là đạm, phun phòng trừ ngay bằng thuốc ví dụ như: Starwiner 20WP, Kamsu 2SL, Xanthomix 20WP, Sasa 25WP, ... 

Lưu ý: Chỉ sử dụng các thuốc có trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, pha và phun theo hướng dẫn ghi trên bao bì, chú ý đảm bảo thời gian cách ly khi phun thuốc đối với rau, quả, chè; khi sử dụng thuốc BVTV xong phải thu gom vỏ bao bì thuốc BVTV sau sử dụng đúng nơi quy định của địa phương./.

Nơi nhận:

- Chi cục BVTV (b/c);

- TT: HU - HĐND - UBND huyện (b/c);

- Phòng NN&PTNT huyện;

- Các ban ngành liên quan;

- UBND các xã và thị trấn;

- Lưu trạm.

TRƯỞNG TRẠM

(Đã ký)

Phạm Hùng


Các thông báo sâu bệnh khác
Loading...