Thông báo kết quả tổng điều tra sâu bệnh đầu vụ xuân năm 2021
Toàn tỉnh - Tháng 3/2021

(Từ ngày 08/03/2021 đến ngày 10/03/2021)

SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT PHÚ THỌ

CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BVTV

 


Số:  82 /TB-TT&BVTV

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

    Phú Thọ, ngày 11 tháng 03 năm 2021

THÔNG BÁO

Kết quả tổng điều tra sinh vật gây hại (SVGH) đầu vụ

và dự báo tình hình SVGH vụ lúa Xuân 2021

 


Vụ xuân 2021, toàn tỉnh đã gieo cấy được 36.138 ha, đạt 101% kế hoạch. Hiện tại, các trà lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ đến cuối đẻ, phát triển tốt. Ngày 08-10/3, Chi cục Trồng trọt và BVTV đã tiến hành tổng điều tra SVGH đầu vụ trên toàn tỉnh. Qua kết quả tổng điều tra, Chi cục thông báo và nhận định tình hình sinh vật gây hại lúa vụ Xuân như sau:

I. MỘT SỐ SVGH CHÍNH VÀ DỰ BÁO:  

1. Chuột hại:

* Hiện tại: Chuột đã bắt đầu di chuyển và gây hại. Diện tích hại là 661,8 ha (Nhẹ 588,6 ha, trung bình 73,2ha), thời điểm phát sinh muộn và mức độ hại thấp hơn năm 2020, tuy nhiên tỷ lệ dảnh hại phổ biến 0,1 - 1,2%, cao 2,0 - 6,5%, cục bộ 8,0 - 11,7% (Đoan Hùng, Hạ Hòa) cao hơn TBNN.

Từ cuối tháng 02 đến nay, các huyện, thành, thị đã và đang triển khai diệt chuột tập trung theo phát động của Sở Nông nghiệp và PTNT. Tại những địa phương triển khai tốt, đúng thời điểm và phương pháp, chuột đã giảm khả năng gây hại.

* Dự báo trong vụ: Chuột tiếp tục di chuyển, sinh sản và gia tăng số lượng từ nay đến cuối vụ. Mức độ gây hại của chuột phụ thuộc rất lớn vào đợt diệt chuột tập trung của các địa phương trong tháng 3. Các diện tích lúa ven làng, trang trại, gò đống, ven đồi, đường lớn, chợ, ... dự báo chuột vẫn tiếp tục gây hại mạnh. Các huyện cần chú ý như: Đoan Hùng, TX. Phú Thọ, TP. Việt Trì, Yên Lập, Thanh Ba... .

2. Bệnh đạo ôn lá:

* Hiện tại: Nguồn bệnh đã bắt đầu xuất hiện rải rác trên các trà lúa ở hầu hết các huyện, thành, thị (Xã Lam Sơn - Tam Nông; xã Văn Lang, Chuế Lưu, Vĩnh Chân - Hạ Hòa; xã Vân Đồn  - Đoan Hùng; xã Bình Phú - Phù Ninh; Kim Đức, Thụy Vân, Sông Lô - Việt Trì, Mạn Lạn, Hanh Cù, Đồng Xuân - Thanh Ba; xã Vĩnh Lại, Bản Nguyên - Lâm Thao; Hà Thạch - Thị Xã Phú Thọ; Thạch Khoán, Thắng Sơn - Thanh Sơn; xã Văn Bán, Cấp Dẫn, Minh Tân - Cẩm Khê), diện tích nhiễm 0,86 ha (nhiễm nhẹ). Bệnh xuất hiện ở các giống: J02, TBR225, Nhị ưu số 7, Nhị ưu 838, Thái Xuyên 111, một số giống nếp,.... Tỷ lệ bệnh phổ biến 0,01 - 0,8%; cao 1,0 - 3,3%; cục bộ ổ 5 - 10,5% tại khu đồng Chiêm xã Đồng Trung  - Thanh Thủy và khu Xuân Hương xã Lương Sơn - Yên Lập, cấp bệnh phổ biến: Cấp 1.

* Dự báo: Trong tháng 3, không khí lạnh hoạt động không mạnh, nhưng hiện tượng sương mù, sương mù nhẹ và mưa nhỏ, mưa phùn sẽ xuất hiện nhiều ngày, trời mát. Cây lúa được bón bổ sung dinh dưỡng, nhất là đạm trong đợt bón thúc. Đây là điều kiện thuận lợi cho bệnh đạo ôn lá tiếp tục phát sinh, phát triển và lây lan nhanh, gây hại mạnh trên diện rộng ở tất cả các trà lúa, đặc biệt là trên các giống mẫn cảm và các ổ bệnh của vụ trước; đồng thời có nguy cơ gây hại trên cổ bông, cổ gié làm ảnh hưởng lớn đến năng suất đối với diện tích lúa trỗ trong tháng 4 nếu không được phòng trừ kịp thời. Các huyện cần chú ý: Thanh Thủy, Yên Lập, Hạ Hòa, Đoan Hùng, Tam Nông, Phù Ninh, TP. Việt Trì, ....

3. Bệnh khô vằn:

* Hiện tại: Bệnh đã xuất hiện rải rác trên Trà 1 ở tất cả các huyện, thành, thị và muộn hơn so với cùng kỳ năm trước.

* Dự báo: Bệnh khô vằn sẽ tiếp tục phát sinh, phát triển        và gây hại, mức độ gia tăng nhanh và mạnh hơn khi lúa đứng cái làm đòng trở đi. Bệnh hại nặng hơn trên ruộng cấy dày, bón thừa đạm, bón không cân đối.

4. Rầy các loại:

* Hiện tại: Đã xuất hiện rải rác tại tất cả các huyện, thành, thị. Mật độ phổ biến 4 - 26 con/m2, phát dục chủ yếu là tuổi 4,5. Hiện tại chưa phát hiện rầy lưng trắng và rầy xanh đuôi đen mang virus gây bệnh.

* Dự báo: Rầy sẽ tiếp tục tích lũy mật độ, có xu hướng gia tăng nhanh về cuối vụ, cần chú ý từ trung tuần tháng 4 đến cuối tháng 5.

5. Các đối tượng khác: Bệnh sinh lý, Ốc bươu vàng, ruồi đục nõn gây hại nhẹ. Bọ xít đen xuất hiện rải rác, bọ xít dài gây hại cục bộ trên những ruộng lúa trỗ trước so với đại trà vào đầu tháng 4, những ruộng lúa thơm, lúa CLC, những ruộng ven đồi, rừng, ... . (cần lưu ý). Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn từ trung tuần tháng 4 trở đi.

II. BIỆN PHÁP CHỈ ĐẠO PHÒNG TRỪ:

1. Nhận định cao điểm phòng trừ SVGH vụ Xuân 2021:

Hiện tại, cây lúa sinh trưởng tốt do điều kiện thời tiết thuận lợi sau cấy. Nhưng với diễn biến khó lường của thời tiết và nguồn sâu bệnh đã xuất hiện trên đồng ruộng, vụ Xuân 2021, công tác phòng trừ SVGH cần tập trung vào các thời điểm sau:

- Đợt 1: Từ nay đến đầu tháng 4, tiếp tục diệt chuột tập trung để ngăn chặn và hạn chế số lượng chuột gây hại; phòng trừ kịp thời và triệt để các ổ đạo ôn lá.

- Đợt 2: Thời gian từ 10/4 - 15/5/2021 (Đây là cao điểm chỉ đạo phòng trừ SVGH vụ Xuân), cần chú ý phòng trừ đạo ôn cổ bông, nhất là những diện tích đã nhiễm đạo ôn lá; phòng trừ kịp thời đối với sâu đục thân, rầy, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn,...

2. Biện pháp chỉ đạo:

- Đề nghị UBND các huyện, thành, thị đôn đốc Ban chỉ đạo sản xuất của địa phương, phòng/trạm chuyên môn đến cơ sở kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn chăm sóc, phòng trừ SVGH kịp thời, cụ thể:

Tuyên truyền và chỉ đạo phòng trừ SVGH theo hướng dẫn của Chi cục và trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện, đặc biệt chú ý trong cao điểm. Trước mắt, trong tháng 3 tập trung chỉ đạo công tác diệt chuột tập trung và phòng trừ các ổ đạo ôn lá.

Đẩy mạnh chăm sóc lúa và các cây trồng khác theo chương trình quản lý cây trồng tổng hợp (ICM), Quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quy trình an toàn. Trong canh tác lúa chú trọng tới nâng cao chất lượng diện tích thâm canh lúa cải tiến (SRI).

- Chi cục giao Phòng Bảo vệ thực vật, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật các huyện, thành, thị tiếp tục điều tra, theo dõi, thu mẫu rầy xanh đuôi đen, rầy lưng trắng để phân tích, giám định nguồn virus gây bệnh; dự báo chính xác về quy mô, mức độ và vùng gây hại với từng đối tượng, ra thông báo hàng tuần, tham mưu, đề xuất biện pháp chỉ đạo phòng trừ SVGH kịp thời có hiệu quả trên địa bàn.

3. Biện pháp kỹ thuật phòng trừ:

- Chuột hại: Tiếp tục tổ chức diệt chuột tập trung và thường xuyên theo phát động của Sở Nông nghiệp và PTNT tại văn bản số 210/SNN-TT&BVTV ngày 08 tháng 02 năm 2021. 

- Bệnh đạo ôn lá: Khi phát hiện ruộng chớm bị bệnh, dừng bón các loại phân hoá học và thuốc kích thích sinh trưởng. Trong điều kiện thời tiết đang thuận lợi cho bệnh phát sinh và gây hại cần phòng trừ ngay bằng các loại thuốc, ví dụ như: Bamy 75WP, Fu-army 30WP, 40 EC, Katana 20SC, Lúa vàng 20WP, Trizole 75WP, Sako 25WP, HiBim 31WP, Funhat 40WP, Sieubem 777WP, Difusan 40EC, ...

Chi cục Trồng trọt và BVTV trân trọng thông báo và đề nghị UBND các huyện, thành, thị quan tâm chỉ đạo./.

 Nơi nhận:

- Cục BVTV, Trung tâm BVTV phía Bắc (b/c);

- Sở NN&PTNT (b/c);

- UBND các huyện, thành, thị;

- Phòng KHTC, TTKN;

- LĐCC, các phòng, trạm Chi cục;

- Lưu: VT, BVTV.

CHI CỤC TRƯỞNG

(Đã ký)

Phan Văn Đạo

Các thông báo sâu bệnh khác
Loading...