Thông báo tình hình dịch hại 7 ngày trên lúa (từ 21-29/7/2020, dự báo 7 ngày tới) và BPPT
Tam Nông - Tháng 7/2020

(Từ ngày 21/07/2020 đến ngày 29/07/2020)

THÔNG BÁO

Tình hình sinh vật gây hại (SVGH) 07 ngày trên lúa

 (Từ ngày 21/7 đến 29/7/2020, dự báo trong 7 ngày tới và biện pháp phòng trừ)

CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BVTV

TRẠM TRỒNG TRỌT & BVTV TAM NÔNG


Số: 46 /TB-TT&BVTV

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Tam Nông, ngày 29 tháng 7 năm 2020


Hiện nay, các trà lúa mùa đang trong giai đoạn đứng cái - làm đòng, đây là giai đoạn cây lúa rất mẫn cảm với các đối tượng sâu bệnh hại. Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tam Nông đã tiến hành điều tra sâu bệnh ngày 27-28/7/2020, thông báo kết quả và đề xuất các biện pháp phòng trừ như sau:

I/ TÌNH HÌNH SÂU BỆNH VÀ DỰ BÁO:

1. Sâu cuốn lá nhỏ:

* Hiện tại:

Trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ đã ra rộ với mật độ phổ biến 3-5 con/m2, cao 8-10 con/m2 , cục bộ 15-20 con/m2. Mật độ trứng phổ biến 16 - 24 quả/m2, cao 32 - 48 quả/m2 (Dân Quyền, Hương Nộn, Vạn Xuân, Lam Sơn, Bắc Sơn, Thanh Uyên, Hiền Quan…).

* Dự báo: Trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ sẽ tiếp tục đẻ trứng, mật độ trứng sẽ tăng nhanh trong vài ngày tới. Trứng sâu cuốn lá sẽ nở và sâu non gây hại từ ngày 04/8/2020 trở đi trên các trà lúa giai đoạn đứng cái - làm đòng, mức độ hại trung bình, cục bộ hại nặng, có thể gây trắng bộ lá đòng nếu không được phòng trừ kịp thời. Diện tích dự kiến cần phòng trừ 700 ha (Trà sớm 300 ha, trà trung 400 ha).

Các xã cần chú ý: (Dân Quyền, Hương Nộn, Vạn Xuân, Lam Sơn, Bắc Sơn, Thanh Uyên, Hiền Quan…).

2. Bệnh đốm sọc vi khuẩn:

* Hiện tại: Bệnh đang phát sinh gây hại rải rác trên các trà lúa mùa giai đoạn đứng cái - làm đòng. Tỷ lệ lá hại TB 1,2-2,3%, cao 4-8% (Dân Quyền, Hương Nộn, Vạn Xuân, Lam Sơn, Bắc Sơn,…)

* Dự báo: Trong điều kiện thời tiết có mưa lớn kèm theo dông, lốc; người dân bón phân đón đòng cho cây lúa, bệnh có thể tiếp tục phát sinh, lây lan và gây hại trên tất cả các trà lúa mùa, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những ruộng lúa xanh tốt, rậm rạp, bón nhiều đạm và bón phân không cân đối. Các xã cần lưu ý: (Dân Quyền, Hương Nộn, Vạn Xuân, Lam Sơn, Bắc Sơn,…)

  3. Chuột hại:

* Hiện tại: Chuột bắt đầu di chuyển và gây hại rải rác trên đồng ruộng, nhất là những diện tích ven gò, ven kênh mương, đường lớn, gần trang trại chăn nuôi. Tỷ lệ chuột hại phổ biến 1,2 - 3,4%, cao 4,0  - 5,8%. Tổng diện tích nhiễm 32,0 ha, trong đó nhiễm nhẹ 25,8 ha, nhiễm trung bình 6,2 ha.

* Dự báo: Trong thời gian tới, chuột tiếp tục gây hại nhẹ - trung bình, cục bộ ổ hại nặng trên ruộng cấy lúa chất lượng cao, những diện tích ven gò, ven kênh mương, đường lớn, gần trang trại chăn nuôi. Các xã và TT cần lưu ý: (Dân Quyền, Hương Nộn, Vạn Xuân, Lam Sơn, Bắc Sơn, Thanh Uyên, Hiền Quan,….)

4. Ngoài ra: Sâu đục thân, rầy các loại, bệnh sinh lý, bệnh khô vằn gây hại rải rác.

II/ BIỆN PHÁP CHỈ ĐẠO PHÒNG TRỪ:

1. Biện pháp chỉ đạo: Đề nghị UBND các xã, thị trấn:

- Tiếp tục thực hiện tốt văn bản số 1435 /UBND-NN, ngày 14/7/2020 của UBND huyện Tam Nông về việc tổ chức diệt chuột tập trung vụ mùa 2020; Văn bản số 1508 /UBND-NN, ngày 23/7/2020 của UBND huyện Tam Nông về việc chỉ đạo chăm sóc và phòng trừ các loại sâu, bệnh, chuột hại lúa vụ mùa 2020.

         - Triển khai thực hiện tốt văn bản số 1548/UBND-NN, ngày 28/7/2020 của UBND huyện Tam Nông “V/V tập trung chỉ đạo phòng trừ sâu, bệnh bảo vệ lúa vụ mùa năm 2020”.

- Chỉ đạo cán bộ khuyến nông cơ sở, HTX, huy động bà con nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng trong thời gian cao điểm để phát hiện kịp thời, phòng trừ triệt để các ổ sâu bệnh theo văn bản chỉ đạo và hướng dẫn của Trạm trồng trọt và BVTV huyện.

2. Kỹ thuật phòng trừ:

- Sâu cuốn lá nhỏ: Khi ruộng lúa có mật độ sâu non cao trên 20 con/m2 thì cần phun trừ bằng các loại thuốc trừ sâu có trong danh mục được phép sử dụng ở Việt Nam, (Ví dụ như: Clever 300 WG, Rigell 800 WG, Tasieu 5 WG, Virtako 1.5 GR,...).

Thời gian phun thuốc phòng trừ sâu cuốn lá nhỏ trên lúa trà sớm tốt nhất từ ngày 04 -07/8/2020; trà trung có thể muộn hơn từ 5 - 6 ngày.

- Bệnh đốm sọc vi khuẩn: Cần kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, nhất là sau mưa dông, lốc. Khi ruộng chớm bị bệnh, cần dừng ngay việc bón phân hóa học, nhất là đạm và thuốc kích thích sinh trưởng, phun phòng trừ ngay bằng các thuốc trừ bệnh được đăng ký trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam (Ví dụ: Starwiner 20WP, Starner 20WP, Kamsu 2SL, Xanthomix 20WP, Sasa 25WP, ...).

- Diệt chuột: Sử dụng bả sinh học, thuốc hóa học, ...  có trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam  (Ví dụ: Sử dụng thuốc Ranpart 2%DS, Rat K 2% DP, Rat-kill 2% DP, ... trộn thành bả; mồi nhử là thóc luộc nứt vỏ chấu, gạo, khoai lang, mộng mạ, cua, ốc, tép, ... hoặc bả trộn sẵn Broma 0.005AB…).

- Các đối tượng khác:  Cần chú ý theo dõi chặt chẽ và thực hiện phòng trừ theo thông báo, hướng dẫn của Trạm Trồng trọt và BVTV huyện.

Lưu ý: Khi sử dụng thuốc BVTV xong phải thu gom vỏ bao bì để đúng nơi quy định của địa phương./.

Các thông báo sâu bệnh khác
Tam Nông
Tam Nông
Tam Nông
Tam Nông
Tam Nông
Tam Nông
Tam Nông
Tam Nông
Loading...

Nơi nhận:

- Chi cục TT&BVTV (b/c);

- TT: HU - HĐND - UBND huyện (b/c);

- Phòng NN&PTNT huyện;

- Các ban ngành liên quan;

- UBND các xã, thị trấn;

- Lưu trạm.

TRƯỞNG TRẠM

(Đã ký)

Phạm Hùng