Phuong an BVTV vu mua, vu dong 2010
Phú Thọ - Tháng 6/2010

(Từ ngày 01/01/1754 đến ngày 31/12/9999)

CHI CỤC BVTV PHÚ THỌ

TRẠM BVTV TX. PHÚ THỌ

Số: 25/PA – BVTV

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

                         

Phú thọ, ngày 08 tháng 06 năm 2010

PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ THỰC VẬT

VỤ MÙA, VỤ ĐÔNG NĂM 2010

           

             Nhằm chủ động trong công tác phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả cao, bảo vệ an toàn cho sản xuất. Trạm BVTV Phú thọ phố hợp với phòng Kinh tế xây dựng và triển khai phương án BVTV vụ mùa, vụ đông năm 2010 với các nội dung sau:

I. NHỮNG ĐẶC ĐIỂM CỦA SẢN XUẤT VỤ MÙA, VỤ ĐÔNG NĂM 2010:

1. Tình hình thời tiết:

     Theo nhận định của trung tâm Dự tính khí tượng thuỷ văn Trung Ương vụ mùa năm nay có khả năng chịu ảnh hưởng những yếu tố thời tiết cực đoan như: Mưa, bão, nắng nóng cao hơn TBNN. Tình hình thời tiết như trên sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển cây trồng và là điều kiện thuận lợi cho sự bùng phát các dịch hại như: Sâu đục thân, sâu cuốn lá, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá…

2. Cây trồng:

     Căn cứ kế hoạch sản xuất chung của UBNN thị và hướng dẫn bố trí cơ cấu giống, thời vụ, vụ mùa, vụ đông của phòng Kinh tế thị xã như sau:

     - Cây lúa: Tổng diện tích vụ mùa là 1030 ha. Trong đó:

     + Trà sớm: Bố trí từ 50% diện tích trở lên bằng các giống lúa lai (thục hưng6, TNƯu 16, TNƯu 19, Việt lai 20, Nhị ưu số 7), Q5, KD,… và các giống lúa chất lượng, gieo 5 - 10/6.

     + Trà trung: Bố trí 45% diện tích bằng các giống lúa lai, KD, Q5,… gieo 15 - 20/6.

     + Trà muộn: Khoảng 3 - 5% diện tích chủ yếu cấy quài, lấn sâu bằng các giống ngắn, KD18, DT122, nếp 87.

      - Cây ngô đông: Diện tích 480 ha, gieo trồng chủ yếu các giống lai như: C919, NK66, NK4300, P60, LVN4, LVN 99,…

     - Cây trồng khác: Rau hè thu 120 ha, vụ đông 150 ha, cây đậu tương diện tích 50 ha, lạc 20 ha, cây thức ăn gia súc 130 ha, hoa cây cảnh 20 ha, chè trồng mới 18 ha, khoai lang đông 50 ha.

3. Nguồn sâu bệnh chuyển vụ:

      Vụ chiêm xuân năm nay, sâu bệnh phát sinh gây hại trên diện rộng. Tình hình sản xuất giữa 2 vụ chiêm xuân và vụ mùa có thời gian cách ly ngắn, tạo điều kiện rất thuận lợi cho sâu chuyển vụ, đặc biệt sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy các loại, bệnh khô vằn,...

II. MỤC TIÊU CÔNG BVTV VỤ MÙA, VỤ ĐÔNG NĂM 2010

      1. Thực hiện tốt công tác điều tra phát hiện và DTDB sâu bệnh từ thị đến cơ sở. Dự báo chính xác tình hình diễn biến sâu bệnh hại. Chủ động phòng trừ bảo đảm an toàn cho 1030 ha lúa, 480 ha ngô, 270 ha rau xanh, 1400 ha cây trồng khác. Hạn chế thiệt hại do sâu bệnh trên lúa dưới 5%, cây trồng khác dưới 7%.

      2. Tiếp tục triển khai, ứng dụng rộng rãi biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM và hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI. Tổ chức tập huấn kỹ thuật cho trên 800 - 1000 lượt nông dân và cán bộ KN cơ sở.

      3. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống khuyến nông.

      4. Thực hiện tốt công tác QLNN về bảo vệ và kiểm dịch thực vật trên địa bàn. Quản lý tốt mạng lưới cửa hàng, đại lý thuốc BVTV kinh doanh đúng pháp luật và bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc đặc hiệu phục vụ sản xuất.

III. DỰ KIẾN TÌNH HÌNH SÂU BỆNH:

       Nhận định chung: Vụ mùa, vụ đông năm nay sâu bệnh phát sinh gây hại mức trung bình đến nặng, cục bộ rất nặng, các đối tượng quan trọng là sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, rầy các loại,…trên lúa. Bệnh sinh lý, bệnh khô vằn, rệp cờ, sâu đục thân,… trên ngô. Sâu xanh, sâu tơ, bệnh thối nhũn, bọ nhảy,…trên rau. Đặc biệt chú ý khả năng phát sinh bệnh lùn sọc đen trên lúa và ngô.

          Dự báo sâu bệnh như sau:

A. CÂY LÚA:

1. Sâu cuốn lá: Trong vụ mùa có 3 lứa gây hại chính:

      + Lứa 5: Trưởng thành ra rộ vào 10/7, sâu non gây hại mạnh từ 18/7 trở đi trên lúa mùa sớm giai đoạn đẻ nhánh rộ, mùa trung giai đoạn hồi xanh - đẻ nhánh mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Lứa này mật độ sâu trung bình 15 - 20 c/m2, cao 30 - 40 c/m2, cục bộ 60 - 80 c/m2. Tuy nhiên do lúa đang đẻ nhánh nên ảnh hưởng thấp.

      + Lứa 6: Trưởng thành ra rộ vào đầu tháng 8, sâu non gây hại trên tất cả các trà lúa. Đây là lứa sâu rất quan trọng gây hại lúa đứng cái làm đòng - trỗ bông. Mật độ sâu trung bình 40 - 60 C/m2, cao 80 - 120c/m2, cục bộ 250 -300c/m2. Diện tích nhiễm dự kiến 500 - 600 ha.

       + Lứa 7: Trưởng thành ra rộ đầu tháng 9, sâu non gây hại nhẹ đến trung bình trên trà mùa muộn. Lứa này chỉ phòng trừ trên những diện tích lúa trỗ muộn có mật độ sâu trên 20 c/m2.

2. Sâu đục thân 2 chấm: Cả vụ có 3 lứa gây hại:

      + Lứa 3: Trưởng thành rộ đầu đến giữa tháng 6, sâu non gây hại trên mạ và lúa mùa sớm. Mức độ hại nhẹ - trung bình.

      + Lứa 4: Trưởng thành rộ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, sâu non gây dảnh héo trên trà màu trung cấy muộn và trà muộn, gây bông bạc trên trà lúa sớm, mức độ hại nhẹ - trung bình, cục bộ nặng trên ruộng trỗ sớm. Dự kiến diện tích nhiễm khoảng 100 -150 ha.

      + Lứa 5: Trưởng thành rộ khoảng đầu đến giữa tháng 9, sâu non gây hại trên trà trung cấy muộn và trà muộn, mức độ hại TB - nặng, cục bộ rất nặng. Dự kiến diện tích nhiễm khoảng 70 - 100 ha.

3. Rầy các loại:

      - Rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy xám: Chuyển từ vụ chiêm xuân sang gây hại vụ mùa, tích luỹ mật độ và gây hại ở mức độ nhẹ - trung bình, cục bộ ổ nặng. Trong vụ chú ý rầy lứa 7 có khả năng gây cháy cục bộ khoảng đầu và giữa tháng 9. Dự kiến diện tích nhiễm 30 - 50ha.

      - Rầy trắng: Phát sinh gây hại lúa từ giữa tháng 7 trở đi. Chú ý những chân ruộng ớm bóng, ruộng thâm canh cao bón nhiều đạm mất cân đối. Dự kiến diện tích nhiễm 25 - 30 ha.

4. Bọ xít dài:

      Bọ xít qua hè qua bờ bụi rậm rạp, đầu tháng 8 di chuyển về ruộng và đẻ trứng gây hại mạnh trên trà lúa trỗ sớm và trà muộn. Dự kiến diện tích nhiễm 30 - 50 ha.

5. Bệnh khô vằn:         

      Bệnh phát sinh sớm từ giữa tháng 7, phát triển lây lan gây hại mạnh trong tháng 8 - đầu tháng 9. Bệnh hại trên tất cả các trà, mức độ hại trung bình đến nặng cục bộ rất nặng. Tỷ lệ dảnh hại trung bình 8 - 12%, cao 30 - 40%, cục bộ trên 70%. Diện tích nhiễm trong vụ dự kiến là 350 - 400ha.

6. Bệnh bạc lá:

      Có khả năng phát sinh gây hại cao hơn TBNN. Trong điều kiện đúng như dự báo thời tiết mưa bão nhiều bệnh có khả năng phát triển gây hại  nặng từ giữa tháng 8 đến giữa tháng 9.

7. Chuột: Tiếp tục gây hại trong vụ mùa, gây hại mạnh từ đẻ nhánh rộ đến làm đòng. Chú ý những diện tích ven đồi gò, ven làng, nghĩa trang, …Mức độ hại cao hơn vụ mùa năm 2009.

8. Một số đối tượng khác:

       - Bệnh sinh lý: Bệnh sinh lý gây hại trên những ruộng làm đất dối, ruộng bón phân chuồng tươi, ruộng dộc chua, ruộng hạn đất cát pha.

       - Ốc bươu vàng: Gây hại cục bộ đầu vụ trên những chân ruộng trũng, ruộng gần kênh mương dẫn nước, mức độ hại nhẹ đến trung bình cục bộ hại nặng.

     Ngoài ra bệnh đen lép hạt, cào cào, châu chấu…gây hại rải rác.

     * Thường xuyên cảnh giác với khả năng phát sinh và gây hại của bệnh lùn sọc đen.

B. TRÊN CÂY NGÔ ĐÔNG:

       1. Bệnh sinh lý: Gây hại nhẹ đến trung bình trên ngô giai đoạn 3 - 4 lá tập trung  trên những ruộng trũng khó thoát nước, ruộng đất chua.

       2.Sâu đục thân: Gây hại giai đoạn ngô (7 lá - trỗ cờ - làm bắp) mức độ hại nhẹ - trung bình.

       3. Bệnh khô vằn: Phát sinh và gây hại giai đoạn ngô 6 - 7 lá trở đi, chú ý ngô trồng trên đất ruộng bón đạm nhiều, gieo trồng dầy.

         - Ngoài ra rệp cờ, chuột, sâu ăn lá, bệnh đốm lá phát sinh gây hại ở mức nhẹ, cục bộ hại TB.

C. TRÊN RAU:

            - Sâu tơ, sâu xanh, bọ nhảy, rệp gây hại nhẹ - trung bình, cục bộ nặng đến rất nặng trên rau hè thu, chú ý rau giống, gieo trồng sớm.

      - Bệnh thối nhũn: Phát sinh gây hại từ giữa tháng 10, phát triển mạnh từ giữa tháng 11 đầu tháng 12, mức độ hại nhẹ - TB - Cục bộ hại nặng.

     Ngoài ra giòi đục lá hành, sâu vẽ bùa trên đậu đỗ cà chua, bệnh mốc sương, phấn trắng trên bầu bí, sương mai cà chua,…phát sinh gây hại rải rác ở mức nhẹ, cục bộ hại trung bình đến nặng.    

IV. BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ TỔNG HỢP:

1. Thực hiện áp dụng rộng rãi biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM trên các cây trồng, trong đó chú trọng thực hiện tốt các biện pháp sau:

      - Thực hiện gieo cấy đúng khung lịch thời vụ, gieo trồng tập trung giống, thời vụ trên một cánh đồng, một vùng sản xuất.

      - Thâm canh mạ tốt bón đầy đủ cân đối các loại phân, gieo mạ thưa, chỉ sử dụng các loại giống có chất lượng tốt thực hiện sử lý triệt để hạt giống trước khi gieo.

 - Bón lót đầy đủ các loại phân, bón vôi khử chua trước khi cấy. Cấy mạ non, nhỏ dảnh, nông tay mật độ hợp lý với các giống lúa lai 30 - 35 khóm/m2, giống lúa thuần 40 - 45 khóm/m2.

      - Chăm sóc bón phân thúc đẻ sớm sau cấy khoảng 7 ngày kết hợp làm cỏ sục bùn. Bảo đảm nước nông thường xuyên thời kỳ lúa đẻ nhánh.

   - Tích cực sử dụng các biện pháp thủ công phòng trừ sâu bệnh như: Bắt diệt chuột, OBV, thu nhặt ổ trứng, bẫy đèn bắt bướm,…

      - Thực hiện thăm đồng thường xuyên nắm chắc tình hình sinh trưởng cây trồng, diễn biến tình hình sâu bệnh, chuột hại và các yếu tố khác để có biện pháp sử lý hiệu quả.

2. Chỉ sử dụngcác loại thuốc đặc hiệu phòng trừ sâu bệnh khi tớí ngưỡng phòng trừ sau:

STT

Tên sâu bệnh

Giai đoạn sinh trưởng

Mật độ, tỷ lệ hại

1

Sâu cuốn lá nhỏ

Đẻ nhánh

50 c/m2

Làm đòng, trỗ bông

20 c/m2

2

Sâu đục thân

Đẻ nhánh - đòng trỗ

0,3 ổ trứng hoặc bướm/m2, 5 -10% dảnh héo

3

Rầy các loại

Đẻ nhánh - đòng - trỗ chín

1500 c/m2

4

Bọ xít dài

Đòng trỗ

6 c/m2

5

Bệnh khô vằn

Đẻ nhánh - đòng trỗ

20% dảnh hại

6

Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn

Đẻ nhánh - đòng trỗ

20% lá hại

7

Bệnh lùn sọc đen

Các giai đoạn

Khi xuất hiện bệnh

8

Sâu đục thân, bắp ngô

Loa kèn - trỗ cờ - phun râu

20% cây, bắp

9

Rệp ngô

Các giai đoạn sinh trưởng

30% cây nhiễm

10

Bệnh khô vằn ngô

Loa kèn- trỗ cờ

20% cây bệnh

11

Sâu xanh, khoang rau

Các giai đoạn sinh trưởng

10 c/m2

12

Sâu tơ, bọ nhảy hại rau

Các giai đoạn sinh trưởng

20 c/m2

13

Rệp hại rau

Các giai đoạn sinh trưởng

20% cây hại

14

B. sương mai rau

Các giai đoạn sinh trtưởng

20% cây hại

15

B. Thối nhũn, héo xanh

Các giai đoạn sinh trưởng

10% cây hại

V. BIỆN PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

      1. Xây dựng và triển khai phương án BVTV.

      - Trạm BVTV Phú thọ phối hợp với phòng kinh tế Thị xã xây dựng và triển khai phương án BVTV trong toàn Thị thời gian trước 15/6.

      - UBND các xã, phường Trường thịnh, các HTX NN căn cứ phương án chung của thị và tình hình sản xuất của địa phương xây dựng phương án phù hợp và triển khai trên địa bàn trước 30/6/2010.

      2. Tổ chức thực hiện:

      - Trạm BVTV Phú thọ, phòng Kinh tế Thị xã chỉ đạo thực hiện phương án BVTV trên địa bàn toàn thị. Tham mưu kịp thời cho UBND Thị xã về chủ trương, biện pháp kỹ thuật BVTV, công tác chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh bảo vệ an toàn cho sản xuất.

      - UBND các xã, phường: Tổ chức chỉ đạo công tác BVTV trên địa bàn kiểm tra đôn đốc tổ KN, HTX NN nắm chắc diễn biến tình hình sâu bệnh hướng dẫn biện pháp phòng trừ sâu bệnh đến nông dân.

      - Các HTX NN: Chỉ đạo đôn đốc nông dân thực hiện đúng các biện pháp canh tác, tổ chức thực hiện tốt công tác dịch vụ BVTV cho nông dân giúp nông dân phát hiện và phòng trừ sâu bệnh kịp thời hiệu quả.

      - Đề nghị các cơ quan, đoàn thể liên quan ở thị như đài truyền thanh, đội quản lý thị trường, công an, các đoàn thể quần chúng: Nông dân, thanh niên phụ nữ, hội cựu chiến binh căn cứ chức năng nhiệm vụ của mình phối hợp với phòng Kinh tế, trạm BVTV chỉ đạo thực hiện tốt phương án này góp phần tích cực thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất vụ mùa, vụ đông của Thị xã.

                                                                                                     

Nơi nhận:    

- LĐ Thị Uỷ, UBND Thị (b/c);                 

- Chi cục BVTV (b/c);

- Các phòng ban, đoàn thể LQ;

- BCH PTDBNH cây trồng vật nuôi Thị xã;

- UBND các xã, phường, các HTX NN;

- Lưu.                                                         

TRẠM BVTV PHÚ THỌ

TRẠM TRƯỞNG

Dương Thư

Các thông báo sâu bệnh khác
Loading...