CHI CỤC BẢO VỆ THỰC VẬT
TRẠM BVTV PHÚ THỌ
Số: 14 /TB-BVTV
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
P
Phú thọ, 07 tháng 05 năm 2010
|
THÔNG BÁO TÌNH HÌNH SÂU BỆNH THÁNG 04
DỰ BÁO SÂU BỆNH THÁNG 05/2010
I/ TÌNH HÌNH CHUNG TRONG THÁNG 04/2010:
1. Thời tiết: Đầu tháng, đêm và sáng có sương mù trời lạnh. Giữa tháng có đợt giá mùa trời rét xuống dưới 20oC ảnh hưởng nhẹ đến lúa trỗ sớm, cuối tháng 4 đầu tháng 5 có mưa rào nhẹ rải rác. Nhiệt độ trung bình 22 - 240C, cao 28 - 300C, thấp 17 - 190C.
2. Cây trồng:
- Lúa xuân sớm: Làm đòng - trỗ bông - chín sữa.
- Lúa xuân muộn: Đứng cái - làm đòng - trỗ bông.
- Cây ngô: Trỗ cờ - phun râu.
- Cây rau: Cây con - phát triển thân lá, thu hoạch.
- Cây đậu tương: Ra hoa - làm quả.
3. Tình hình sâu bệnh
a, Cây lúa: Sâu bệnh phát sinh thành cao điểm gây hại trên diện rộng. Mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ nặng đến rất nặng.
- Đối tượng chính gồm: Bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn, chuột, sâu đục thân. Tổng lượt diện tích nhiễm là: 602,7 ha, nhẹ là 253,6 ha, trung bình là 286,3 ha, nặng là 61,8 ha. Cụ thể các đối tượng chính như sau:
Bệnh khô vằn diện tích nhiễm 323,2 ha trong đó nhẹ là 66,4 ha, trung bình 228,8 ha, nặng là 28 ha.Bệnh đạo ôn diện tích nhiễm 147,6 ha trong đó nhẹ 79 ha, trung bình 33,8 ha, nặng 33,8 ha. Sâu đục thân diện tích nhiễm nhẹ 60,8 ha. Chuột diện tích nhiễm 71,1 ha trong đó bị nhẹ 47,4 ha, bị trung bình 23,7 ha.
- Ngoài ra bọ xít dài, bọ xít đen, bệnh khô đầu lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn, … phát sinh gây hại rải rác với mức độ nhẹ, cục bổ ổ nặng.
b, Trên đậu tương:
Sâu cuốn lá, sâu đục thân, đục quả, sâu khoang phát sinh gây hại trên diện rộng mức độ hại nhẹ. Diện tích nhiễm là 11,52 ha.
c, Trên ngô:
Sâu ăn lá, sâu đục thân, bệnh khô vằn, bệnh đốm lá nhỏ, chuột phát sinh gây hại nhẹ, cục bộ hại trung bình. Tổng lượt diện tích nhiễm 74,8 ha.
d, Trên rau:
Sâu xanh, sâu xanh, bọ nhảy hại nhẹ đến trung bình. Tổng lượt diện tích nhiễm trong tháng là: 18 ha trong đó bị nhẹ là 9 ha, bị trung bình là 6 ha bị nặng là 3 ha.
4. Công tác chỉ đạo phòng trừ:
Tập trung chỉ đạo quyết liệt phòng trừ sâu bệnh. Trạm BVTV Phú Thọ ra thông báo sâu bệnh tháng, 2 thông báo sâu bệnh kỳ. Phòng kinh tế thị xã ra 2 công văn chỉ đạo chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa và cây đậu tương. Trạm BVTV và phòng kinh tế thị xã tổ chức giao ban với khuyến nông các xã, phường triển khai công tác phòng trừ sâu bệnh tháng 4, thường xuyên phối hợp với các hợp tác xã, tổ khuyến nông cơ sở kiểm tra sâu bệnh đồng ruộng phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh và chỉ đạo phòng trừ kịp thời hiệu quả. Tổng lượt diện tích phòng trừ 417,3 ha. Cơ bản những diện tích sâu bệnh đến ngưỡng đã được phòng trừ, một số diện tích bị nặng đã được phòng trừ lần 2.
Đánh giá chung: Công tác chỉ đạo phòng trừ đạt hiệu quả tốt, khống chế được tình hình sâu bệnh không để phát sinh hại nặng trên diện rộng.
II/ DỰ BÁO TÌNH HÌNH SÂU BỆNH HẠI THÁNG 05/2010:
1. Trên lúa:
+ Bệnh khô vằn: Bệnh tiếp tục phát triển và gây hại trên các trà, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ nặng trên những ruộng hạn, bón nhiều đạm, bón muộn.
+ Bệnh đạo ôn cổ bông: Phát sinh gây hại lúa từ trỗ đến chín sáp. Điều kiện thời tiết mát, ẩm độ cao, thiếu nắng là điều kiện thích hợp để bệnh phát sinh. Chú ý những ruộng bị đạo ôn lá bệnh sẽ phát triển gây hại cổ bông. Mức độ hại nhẹ, cục bộ hại trung bình.
+ Rầy các loại (Rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy xám): Tiếp tục nở và tích luỹ và gây hại trên trà tất cả các trà lúa. Mức độ hại nhẹ, cục bộ hại trung bình đến nặng. Chú ý những chân ruộng trũng, những ruộng ổ rầy các năm trước có thể bị nặng gây cháy chòm, cháy ổ.
+ Chuột: Tiếp tục gây hại trên các trà lúa, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ nặng trên những ruộng lúa thơm, lúa chất lượng cao, ruộng ven đồi gò, nghĩa trang, đường lớn...
+ Sâu đục thân: Phát sinh gây hại nhẹ, cục bộ hại trung bình. Chú ý ruộng trỗ muộn từ sau 15/05 có thể bị hại nặng.
Ngoài ra bọ xít, sâu cuốn lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh bạc lá phát sinh gây hại rải rác.
2. Trên cây đậu tương:
- Sâu cuốn lá: Sâu non tiếp tục gây hại trên những diện tích đậu tương trồng muộn, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ nặng nếu không phun phòng trừ kịp thời.
- Sâu đục thân, đục quả: Sâu tiếp tục phát triển và gây hại trên diện tích đậu tương trồng muộn mức độ hại hại nhẹ đến trung bình, cục bộ nặng.
- Ngoài ra sâu khoang hại lá, bệnh rỉ sắt, bệnh sương mai phát sinh gây hại rải rác.
3. Trên rau:
Chú ý rệp, sâu khoang, sâu xanh, bọ nhảy gây hại trên rau họ thập tự trông muộn, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng.
4. Cây ngô:
Sâu đục thân, đục bắp, rệp cờ tiếp tục hại nhẹ, cục bộ hại trung bình. Bệnh đốm lá, bệnh khô vằn phát sinh gây hại rải rác.
III/ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT PHÒNG TRỪ :
Phòng trừ sâu bệnh cuối vụ có ý nghĩa rất quan trọng để bảo vệ kết quả sản xuất. Vì vậy đề nghị các địa phương cần tiếp tục tập trung chỉ đạo phòng trừ tốt sâu bệnh nhằm bảo vệ an toàn sản xuất vụ chiêm xuân. Cụ thể các đối tượng chính như sau:
1. Trên lúa:
+ Bệnh khô vằn: Khi ruộng có tỷ lệ dảnh bị bệnh từ 20%, sử dụng thuốc Lervil, Aloannong, Validacin, Til Super… phun kỹ phần thân gốc lúa.
+ Bệnh đạo ôn: Khi ruộng có tỷ lệ bệnh từ 2,5% sử dụng các loại thuốc Beamsuper, Bump, Fuji-one, Kasai, New Hinosan…
(chú ý: ruộng bị bệnh khô vằn, đạo ôn thì phải ngừng bón các loại phân hoá học, phun thuốc kích thích, cần giữ đủ nước trong ruộng).
+ Rầy các loại: Khi ruộng có mật độ từ 1500c/m2 (30con/khóm) sử dụng thuốc Actara, Sectox, Mydan, Penalty, Bassa phun khi rầy tuổi 1,2. Những ruộng lúa từ chín sữa trở đi sử dụng phối hợp thuốc Bassa với các loại thuốc nội hấp, rẽ băng phun kỹ vào phần thân, gốc lúa.
+ Sâu đục thân: Khi mật độ bướm, trứng từ 0,3 ổ trứng hoặc bướm/m2 sử dụng các loại thuốc Padan, Regent, Rigell, Patox, …
+ Bọ xít dài: khi ruộng có mật độ từ 6 con/m2 sử dụng thuốc Địch bách trùng, Fastac, Bestox.
+ Tập trung phòng trừ chuột bằng biện pháp thủ công kết hợp với sử dụng các loại thuốc sinh học diệt chuột vừa có hiệu quả cao, vừa bảo đảm an toàn.
2. Cây đậu tương: Sâu cuốn lá, sâu đục thân, đục cành sử dụng các loại thuốc Regent, Finico, Actamec. Đối với bệnh sương mai, sử dụng thuốc Daconil, Zinep…
3. Cây ngô: Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện sớm sâu bệnh và phòng trừ kịp thời khi sâu bệnh đến ngưỡng. Thường xuyên diệt chuột bằng biện pháp tổng hợp.
4. Cây rau: Chăm sóc rau theo đúng quy trình sản xuất rau an toàn, phun phòng trừ những diện tích có mật độ sâu, bệnh đến ngưỡng phòng trừ bằng các thuốc đặc hiệu có trong danh mục quy định cho rau.
*Chú ý: Sử dụng các loai thuốc theo đúng kỹ thuật hướng dẫn trên vỏ bao bì.
Nơi nhận:
- LĐ thị uỷ,UBND thị
- Chi cục BVTV
-Các cơ quan, đoàn thể LQ
-UBND các xã phường
-các HTX nông nghiệp
- Lưu.
|
TRẠM BẢO VỆ THỰC VẬT PHÚ THỌ
TRẠM TRƯỞNG
DƯƠNG THƯ
|