CHI CỤC BVTV PHÚ THỌ
TRẠM BVTV ĐOAN HÙNG
Số: 16/TB - BVTV
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Đoan Hùng, ngày 5 tháng 8 năm 2014
|
THÔNG BÁO
Tình hình sâu bệnh tháng 7/2014
Dự báo tình hình sâu bệnh tháng 8/2014
I/ TÌNH HÌNH SÂU BỆNH HẠI TRONG THÁNG 7/2014:
1. Trên lúa:
- Ốc bươu vàng: Gây hại tại các xã Đại Nghĩa, Phú Thứ, Tây Cốc, Vân Đồn; mức độ hại nhẹ, cục bộ hại trung bình; Diện tích nhiễm 157,88 ha; diện tích phòng trừ 157,88 ha.
- Bệnh sinh lý: Gây hại tại hầu hết các xã, mức độ hại nhẹ đến trung bình. Diện tích nhiễm 134,32 ha.
- Sâu cuốn lá nhỏ: Gây hại trên các trà lúa tại hầu hết các xã, mức độ hại nhẹ -cục bộ hại trung bình; Diện tích nhiễm 265,51 ha
- Sâu đục thân 2 chấm: Gây hại rải rác trên các trà lúa tại hầu hết các xã.
- Bệnh khô vằn: Gây hại nhẹ trên các trà lúa tại hầu hết các xã
- Ngoài ra: Bệnh đốm sọc vi khuẩn xuất hiện rải rác tại Chí Đám, Hùng Long, Bằng Luân; Châu chấu gây hại nhẹ; Chuột hại cục bộ.
2. Trên ngô: Bệnh khô vằn, bệnh đốm lá nhỏ, sâu đục thân, đục bắp, sâu ăn lá gây hại nhẹ.
3. Trên chè:
- Rầy xanh: Gây hại tại mức độ hại nhẹ - trung bình. Diện tích nhiễm 390,58 ha.
- Bọ cánh tơ: Gây hại nhẹ, diện tích nhiễm 294,0ha
- Bọ xít muỗi: Hại nhẹ - trung bình, diện tích nhiễm 96,58 ha
- Ngoài ra: Nhện đỏ gây hại rải rác.
4. Trên cây bưởi: Nhện đỏ, bệnh chảy gôm, bệnh loét, bệnh sẹo, ruồi đục quả, sâu đục quả, sâu vẽ bùa, rệp phát sinh gây hại rải rác.
5. Trên cây lâm nghiệp: Bệnh khô lá, sâu cuốn lá, bệnh đốm lá, bệnh thán thư, sâu ăn lá gây hại nhẹ rải rác.
II/ DỰ BÁO TÌNH HÌNH SÂU BỆNH HẠI THÁNG 8/2014:
1. Trên lúa:
- Sâu cuốn lá nhỏ: Bướm ra rộ từ ngày 31/7 - 6/8/2014 và đẻ trứng trên các trà lúa, sâu non lứa 5 nở rộ từ 06/8 và gây hại mạnh trên các trà lúa từ ngày 08/8 trở đi, mức độ hại trung bình đến nặng, có thể gây trắng lá hoàn toàn nếu không phòng trừ kịp thời. Các xã cần chú ý: Phương Trung, Phong Phú, Vân Đồn, Tây Cốc, Quế Lâm, Hùng Long, Minh Phú...
- Sâu đục thân 2 chấm: Bướm tiếp tục ra và đẻ trứng trên các trà lúa, sâu non lứa 4 nở rộ và gây hại mạnh trên các trà lúa từ ngày 8/8/2014 trở đi, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ ổ nặng nếu không phòng trừ kịp thời. Các xã cần chú ý: Chí Đám, Phong Phú, Ngọc Quan, Tây Cốc, ...
- Bệnh khô vằn: Bệnh tiếp tục phát triển, lây lan gây hại mạnh trên các trà lúa từ giữa tháng 8 trở đi, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những ruộng rậm rạp, xanh tốt, bón nhiều đạm, ruộng khô hạn, ...
- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Trong điều kiện thời tiết có mưa bão, kết hợp với việc bà con bón phân đón đòng, bệnh phát sinh, lây lan nhanh và gây hại mạnh trên các trà, mức độ hại trung bình, cục bộ hại nặng gây trên các giống lúa lai, trên ruộng xanh tốt, lá rậm rạp. Các xã đã có nguồn bệnh cần chú ý: Chí Đám, Hùng Long...
- Các đối tượng: Rầy các loại, bọ xít dài, châu chấu gây hại nhẹ. Chuột hại cục bộ.
2. Trên cây ngô: Bệnh khô vằn, bệnh đốm lá hại nhẹ đến trung bình; sâu đục thân đục bắp, sâu ăn lá gây hại nhẹ; Chuột hại cục bộ.
3. Trên cây chè: Rầy xanh, bọ xít muỗi, bọ cánh tơ, nhện đỏ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Bệnh đốm nâu, đốm xám gây hại nhẹ.
4. Cây bưởi: Bệnh chảy gôm, bệnh loét, bệnh sẹo, rệp, ruồi đục quả, sâu đục quả, hại nhẹ rải rác.
5. Cây lâm nghiệp: Bệnh khô lá, sâu cuốn lá, bệnh đốm lá, bệnh thán thư, sâu ăn lá gây hại nhẹ rải rác.
III/ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT PHÒNG TRỪ:
1. Trên lúa:
- Sâu cuốn lá nhỏ: Phòng trừ khi ruộng có mật độ sâu trên 20 con/m2 giai đoạn lúa đứng cái - làm đòng (2 khóm có 1 con) và trên 50 con/m2 giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ - cuối đẻ (1 khóm có 1 con).
- Sâu đục thân 2 chấm: Phòng trừ khi ruộng có mật độ ổ trứng trên 0,3 ổ/m2.
Sử dụng 01 trong các loại thuốc: Vitory 585 EC, Wavotox 585 EC, Nicata 95 SP, Rigell 800 WG, Tango 800WG... phun diệt trừ cả sâu cuốn lá và sâu đục thân; Pha và phun theo hướng dẫn trên bao bì.
Thời gian phòng trừ cần tập trung từ ngày 08-14/8/2012 và trà trung có thể kéo dài đến 17/8.
Lưu ý: Khi phun thuốc phòng trừ mà gặp mưa thì phải phun lại
- Bệnh khô vằn: Khi ruộng có tỷ lệ bệnh hại trên 20% sử dụng các loại thuốc như Cavil 50 SC, Lervil 5 SC, Jinggangmeisu 10 WP, Kansui 21.2 WP, ... pha và phun theo hướng dẫn ghi trên bao bì.
- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Khi ruộng chớm bị bệnh phải ngừng bón phân hóa học, phân bón qua lá, các chất kích thích sinh trưởng và cần phun phòng trừ ngay bằng một trong các loại thuốc: Starwiner 20 WP, Xanthomix 20 WP, Kamsu 2 SL, ... pha và phun kỹ theo hướng dẫn trên vỏ bao bì. Ruộng bị nặng phải phun kép 2 lần cách nhau 5 - 7 ngày.
* Ngoài ra: Cần thường xuyên theo dõi và phòng trừ kịp thời các đối tượng bọ xít dài, rầy các loại,… Tích cực diệt chuột bằng các biện pháp tổng hợp.
2. Trên ngô: Tập trung chăm sóc và chú ý phòng trừ các đối tượng sâu bệnh sau:
- Bệnh khô vằn: Khi ruộng có tỷ lệ cây hại trên 20% sử dụng các loại thuốc như Valivithaco 5SL, Cavil 50WP, Lervil 5SC, ... pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.
- Sâu đục thân: Khi ruộng có tỷ lệ cây hại trên 20% sử dụng thuốc Finico 800 WG, Reagt 5SC, 800WG, ... pha và phun theo hướng dẫn trên bao bì.
3. Trên chè: Phun trừ các ổ rầy xanh, bọ xít muỗi, bọ cánh tơ, nhện đỏ, bệnh đốm nâu, đốm xám bằng các loại thuốc đặc hiệu có trong danh mục sử dụng cho chè.
4. Trên cây bưởi: Thường xuyên theo dõi sâu bệnh, phun trừ các đối tượng sâu bệnh đến ngưỡng bằng các loại thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn trên bao bì.
5. Cây lâm nghiệp: Thường xuyên theo dõi sâu bệnh, phun trừ các đối tượng sâu bệnh đến ngưỡng bằng các loại thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn trên bao bì.
Nơi nhận:
- TT huyện uỷ, UBND huyện (b/c);
- Chi cục BVTV (b/c);
- Phòng ban chuyên môn (p/h);
- UBND các xã, thị trấn;
- Lưu.
|
TRẠM TRƯỞNG
Đỗ Chí Thành
|