I/ Tóm tắt tình hình thời tiết, cây trồng và sâu bệnh tháng 03 năm 2013.
1. Thời tiết:
- Trong tháng trời âm u, có mưa rào rải rác, gió nam cấp 2, nhiệt độ trung bình 19 - 22˚C, cao 25 - 27˚C, Thấp 16 - 17˚C.
2. Cây trồng:
- Trên lúa xuân muộn: Diện tích 2598,3 ha. Giai đoạn sinh trưởng: Đẻ nhánh rộ đến cuối đẻ
- Trên ngô: Diện tích 492ha. Giai đoạn sinh trưởng: 6-7 lá.
- Trên rau màu: Diện tích 234,8 ha. Giai đoạn sinh trưởng: Cây con- phát triển thân lá.
- Trên Lạc: Diện tích 533,4ha. Giai đoạn sinh trưởng: 8-10 lá.
- Chè: Diện tích 1700ha. Giống Trung du, LDP1, LDP2, PH1,…PH 11,... Phát triển lứa búp đầu tiên.
- Cây lâm nghiệp: Diện tích: 364,7 ha; Giống: Chủ yếu Keo + bạch đàn: Sinh trưởng, phát triển bình thường..
3. Tình hình sâu bệnh trong tháng 03; Sâu bệnh trong tháng nhẹ cụ thể như sau.
a. Trên lúa xuân muộn:
- Ruồi đục nõn, bọ trĩ gây hại nhẹ đến trung bình. Diện tích nhiễm 368ha (trong đó ruồi đục nõn nhiễm 221ha). Diện tích phòng trừ 105ha.
- Bệnh đạo ôn gây hại nhẹ với tỷ lệ hại trung bình 0,5-1%, Cao 5-6.5% (chủ yếu ở xã Nga Hoàng, Thượng Long, Xuân Viên,…). Diện tích nhiễm toàn huyện 59,5ha.
- Bệnh khô vằn gây hại nhẹ trên các ruộng bón quá nhiều đạm bón lai rai, bón không cân đối với tỷ lệ nhiễm trung bình 3-4%, cao 5-8%, cục bộ >12%. Diện tích nhiễm 73ha.
- Chuột gây hại nhẹ đến trung bình với tỷ lệ trung bình 1- 2%, cao 8 - 10%, cục bộ 12% chủ yếu trên những ruộng ven đồi ven làng ruộng cao hạn và đòng non.
Diện tích nhiễm 543,143ha. Trong đó diện tích nhiễm trung bình 94ha. Diện tích phòng trừ 389ha.
* Ngoài ra có rầy các loại, sâu cuốn lá, sâu đục thân, bênh vàng lá sinh lý gây hại nhẹ rải rác.
- Trên cây rau màu: Có sâu xanh, bọ nhảy, sâu tơ gây hại nhẹ đến trung bình ở hầu hết các xã.
- Trên cây chè: Bọ xít muỗi, nhện đỏ , rầy xanh, bọ cánh tơ, bệnh phồng lá, đốm nâu,...gây hại nhẹ đến trung bình.
- Trên cây trồng lâm nghiệp: Sâu ăn lá, mối, sâu róm, sâu đục thân, bệnh khô cành gây hại nhẹ.
II/ Dự báo tình hình sâu bệnh tháng 04/ 2013. Biện pháp phòng trừ:
1. Trên lúa chiêm xuân muộn:
- Chuột: Tiếp tục gia tăng gây hại trên các ruộng lúa thơm, ruộng ven làng, ven đồi gò, kênh mương, đường lớn. Mức độ gây hại từ nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng.
- Bệnh đạo ôn lá: Trong điều kiện thời tiết ấm, trời âm u, ẩm độ không khí cao, bệnh đạo ôn lá tiếp tục lây lan, phát triển; mức độ hại nhẹ đến trung bình trên các giống nếp, BC15, Xi23, X21, KD18, hương thơm....Các xã đã có nguồn bệnh cần chú ý: Nga Hoàng, Phúc Khánh, Đồng Lạc, Mỹ Lung,….
- Bệnh khô vằn: Bệnh tiếp tục lây lan và gây hại mạnh trên các ruộng lúa cấy dày, bón phân không cân đối bón quá nhiều đạm, ruộng khô hạn; mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng với tỷ lệ dảnh hại trung bình 4-6%, cao 10-12%, cục bộ >20%.
- Bệnh sinh lý vàng lá: Gây hại nhẹ trên diện tích lúa bị hạn và thiếu dinh dưỡng, ruộng dộc chua, yếm khí,….
* Ngoài ra: Rầy các loại tiếp tục tích lũy mật độ, gây hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên ruộng dộc chua, ven rừng, ven làng. Sâu cuốn lá nhỏ gây hại cục bộ trên ruộng xanh tốt. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn thường phát sinh sau các trận mưa dông, bão. Bọ xít dài, bọ xít đen, bọ trĩ gây hại nhẹ.
2. Trên cây rau màu:
- Sâu hại: Có sâu xanh, bọ nhảy, sâu tơ, bệnh sương mai, gây hại rau các loại từ nhẹ đến trung bình.
3. Trên Ngô: Bệnh đốm lá, sâu đục thân, chuột, châu chấu,… tiếp tục gây hại nhẹ đến cục bộ hại trung bình, trên các ruộng ngô từ 6-7 lá.
4. Trên cây chè: Các đối tượng như: bọ xít muỗi, nhện đỏ, rầy xanh, bọ cánh tơ, bệnh đốm nâu, đốm xám, bệnh phồng lá gây hại nhẹ đến trung bình.
5. Trên cây lâm nghiệp: Có sâu ăn lá, mối, sâu đục thân, bệnh khô cành, khô mép lá tiếp tục gây hại nhẹ đến cục bộ hại trung bình.
III. Biện pháp kỹ thuật xử lý:
1. Trên lúa:
* Biện pháp kỹ thuật tập trung chăm sóc lúa, bón phân đón đòng ngay khi ruộng lúa bắt đầu thắt eo đầu lá, cần bón phân cân đối đạm, lân, kali.
* Lưu ý: Thời gian bón đón đòng đối với trà xuân muộn từ ngày 4 đến 8 tháng 4 năm 2013 trở đi, lượng phân bón, phân đơn; 2kg đạm + 3kali; đối phân 3 màu (NPK 12 5 10 14) bón 7-8kg/sào.
* Đối với sâu bệnh trên lúa tiếp tục kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sâu bệnh sớm và phòng trừ triệt để các ổ sâu bệnh, cần chú ý các đối tượng sau: .
- Bệnh đạo ôn lá: Khi phát hiện ruộng chớm bị bệnh, dừng bón các loại phân hoá học và thuốc kích thích sinh trưởng, cần giữ đủ nước trong ruộng. Những ruộng có tỷ lệ lá hại trên 5%, tiến hành phòng trừ ngay bằng các thuốc Bemsuper 75WP; Beam 75 WP; Fuji-one 40 WP; New Hinosan 30 EC; Fu-army 30 WP; Kasai 21,2 WP; One - Over 40 EC, ... phun theo chỉ dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì.
- Đối với bệnh khô vằn khi tỷ lệ dảnh hại >20% dừng bón các loại phân bón hoá học và thuốc kích thích sinh trưởng, cần giữ đủ nước trong ruộng. Sử dụng thuốc Tilt-Super 300EC, Anvil 5SC, Lervil 50SC, Valydacin 5L, Bemsuper 75WP, Beam 75 WP, Cavil 50SC....để phòng trừ.
- Đối với rầy các loại khi mật độ rầy lên tới 1500 con/m2 (30-40 con/khóm) sử dụng các loại thuốc tiếp xúc như: Victory 585EC, Tasodant 600 EC, Superista 25EC, Bassa 50 EC, Jetan 50 EC, ... hỗn hợp với 01 trong các loại thuốc: Penalty 40 WP, Sectox 10 WP, Actara 25 WP, Midan 10 WP, ... pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật hướng dẫn trên bao bì.
- Thường xuyên diệt chuột bằng các biện pháp tổng hợp như: thủ công, canh tác, sinh học và hóa học để đàn chuột chỉ còn ở mức thấp nhất đảm bảo an toàn cho mùa vụ. Ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học. RAT-K....
2. Trên ngô: Phun phòng trừ các ổ bệnh đốm lá, sâu đục thân, chuột, châu chấu bằng các loại thuốc đặc hiệu có trong danh mục.
3. Trên rau màu: Dùng các loại thuốc có trong danh mục sử dụng cho rau. Ưu tiên các loại thuốc thảo mộc và sinh học. Chú ý đảm bảo đủ thời gian cách ly mới được thu hoạch sản phẩm.
4. Trên chè: Phun trừ các ổ rầy xanh, bọ xít muỗi, bọ cánh tơ, nhện đỏ, bệnh đốm nâu, đốm xám, bệnh phồng lá chè bằng các loại thuốc đặc hiệu có trong danh mục sử dụng cho chè.
5. Cây lâm nghiệp: Theo dõi chặt chẽ bệnh đốm lá, khô cành, sâu ăn lá gây hại trên cây keo, bạch đàn.
Nơi nhận:
- TTHU-HĐND (B/c)
- CT, PTC, CCBVTV (B/c)
- BCĐ – SX
- UBND + Tổ KN xã, thị trấn
- Lưu
|
PHỤ TRÁCH TRẠM
(đã ký)
Lương Trung Sơn
|