CHI CỤC BVTV PHÚ THỌ TRẠM BẢO VỆ THỰC VẬT HẠ HÒA Số: 9 /TB-BVTV | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập - Tự do - Hạnh phúc Hạ Hòa, ngày 30 tháng 6 năm 2017 |
THÔNG BÁO
Tình hình sâu bệnh tháng 6/2017
Dự báo tình hình sâu bệnh tháng 7/2017
I/ TÌNH HÌNH SÂU BỆNH HẠI TRONG THÁNG 6/2017:
1. Trên mạ mùa:
Sâu cuốn lá nhỏ gây hại nhẹ, chuột hại cục bộ. Sâu đục thân, rầy các loại, châu chấu,...hại rải rác.
2. Trên lúa mùa:
- Sâu cuốn lá nhỏ: Do thời vụ gấp gáp nên khi triển khai vụ mùa, một số diện tích mạ, lúa mùa sớm đã gieo trồng đan xen với lúa xuân muộn đang thu hoạch, lúa chét và ruộng rạ chưa làm đất; đặc biệt, do điều kiền thời tiết đầu vụ mùa nóng, ẩm thuận lợi cho sâu hại phát triển nên nguồn sâu cuốn lá nhỏ đã chuyển lứa với mật độ lớn, gây hại trên trà lúa mùa sớm và mùa trung mới cấy tại hầu hết các xã, mức độ hại nhẹ, cục bộ hại trung bình; mật độ trung bình 3 - 8 con/m2, cao 14 - 24 con/m2, cục bộ 50 con/m2, phát dục chủ yếu tuổi 1, 2.
- Ốc bươu vàng phát sinh và gây hại trên diện rộng tại tất cả các xã; mức độ hại nhẹ, cục bộ hại trung bình. Tổng diện tích nhiễm 78,7 ha, trong đó nhiễm trung bình 2,7 ha.
Ngoài ra: Bệnh sinh lý, ruồi đục nõn, rầy các loại, sâu đục thân, cào cào châu chấu,.. hại nhẹ rải rác.
3. Trên cây chè:
- Bọ cánh tơ, bọ xít muỗi, nhện đỏ phát sinh và gây hại trên diện rộng, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Tổng diện tích nhiễm bọ cánh tơ 428,9 ha, trong đó nhiễm nhẹ 230 ha, trung bình 198,9 ha; Diện tích phòng trừ 198,9 ha. Tổng diện tích nhiễm bọ xít muỗi 397,8 ha, trong đó nhiễm trung bình 397,8 ha; Diện tích phòng trừ 397,8 ha. Tổng diện tích nhiễm nhện đỏ 36,5 ha, trong đó nhiễm trung bình 5,4 ha. Diện tích phòng trừ 5,4 ha
- Rầy xanh gây hại nhẹ, cục bộ hại trung bình. Diện tích nhiễm 204,3 ha.
- Ngoài ra: Bệnh đốm nâu, đốm xám, bệnh phồng lá,.. gây hại nhẹ.
4. Trên cây lâm nghiệp: Sâu ăn lá, mối hại gốc, bệnh khô lá gây hại rải rác trên cây keo, bạch đàn.
II/ DỰ BÁO TÌNH HÌNH SÂU BỆNH HẠI THÁNG 7/2017:
1. Trên lúa:
- Sâu cuốn lá nhỏ: Trưởng thành lứa 5 sẽ ra rộ từ ngày 11 - 16/7/2017 và đẻ trứng. Sâu non nở rộ và gây hại mạnh từ ngày 20/7/2016 trở đi trên trà mùa sớm giai đoạn cuối đẻ - đứng cái, làm đòng; trà mùa trung giai đoạn đẻ nhánh rộ- cuối đẻ; mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng đến rất nặng. Dự kiến diện tích cần phòng trừ khoảng 800 ha. Các xã cần chú ý: Văn Lang, Chuế Lưu, Bằng Giã, Mai Tùng, Minh Hạc, Vĩnh Chân, Vụ Cầu,….
- Ốc bươu vàng: Gây hại trên những ruộng trũng nước; mức độ hại nhẹ, cục bộ hại trung bình.
- Bệnh sinh lý: Gây hại trên những ruộng dộc chua, lầy, ruộng cày bừa làm đất không kỹ, ruộng bón phân hữu cơ chưa hoai mục, … mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng.
- Ngoài ra: Bệnh khô vằn, rầy các loại gây hại nhẹ. Sâu đục thân, chuột,.. gây hại cục bộ.
2. Trên ngô hè thu: Sâu xám, sâu ăn lá, sâu đục thân, chuột, bệnh sinh lý hại nhẹ đến trung bình.
3. Trên cây chè: Bọ cánh tơ, bọ xít muỗi, rầy xanh, nhện đỏ gây hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Bệnh thối búp, bệnh đốm nâu, đốm xám gây hại nhẹ, cục bộ hại trung bình.
4. Trên cây lâm nghiệp: Sâu ăn lá, mối hại gốc, bệnh khô lá gây hại rải rác trên cây keo, bạch đàn.
III/ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT PHÒNG TRỪ:
1. Trên lúa: Đẩy mạnh ứng dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM). Áp dụng kỹ thuật SRI, chăm sóc, làm cỏ sục bùn, bón phân thúc đẻ và đón đòng sớm giúp lúa sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao. Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và phòng trừ triệt để các ổ sâu bệnh vượt ngưỡng:
- Sâu cuốn lá nhỏ: Áp dụng biện pháp thủ công bắt giết sâu non khi làm cỏ sục bùn. Hạn chế phun thuốc đầu vụ để bảo vệ thiên địch. Khi phát hiện ruộng lúa có mật độ sâu cao trên 50 con/m2 (01 con/khóm) đối với giai đoạn đẻ nhánh, trên 20 con/m2 (01 con/2 khóm) đối với giai đoạn đẻ nhánh cần tiến hành phòng trừ bằng các thuốc trừ sâu cuốn lá đã được đăng ký trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam (Ví dụ: Clever 300WG, Dylan 10WG, Emagold 6.5 WG, Tasieu 5WG, Alocbale 40EC, Rigell 800WG, F16 600EC,...), pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.
- Ngoài ra: Theo dõi chặt chẽ và phòng trừ kịp thời các đối tượng như ốc bươu vàng, bệnh sinh lý, sâu đục thân,...; tích cực diệt chuột bằng các biện pháp tổng hợp.
2. Trên ngô hè thu: Tập trung chăm sóc, bón phân, làm cỏ cho cây ngô. Chỉ phun phòng trừ với những diện tích ngô có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh vượt ngưỡng bằng các loại thuốc đặc hiệu có trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam theo đúng đối tượng đăng ký trên ngô.
3. Trên chè: Chăm sóc theo quy trình sản xuất chè an toàn, áp dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp IPM, bón phân đầy đủ cân đối, trồng cây che bóng với mật độ hợp lý. Chỉ phun phòng trừ với những diện tích có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh vượt ngưỡng bằng các loại thuốc đặc hiệu có trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam theo đúng đối tượng đăng ký trên chè. Chú ý đảm bảo thời gian cách ly khi thu hái.
4. Trên cây lâm nghiệp: Tiếp tục theo dõi diễn biến tình hình sâu bệnh trên cây keo, bạch đàn phòng trừ kịp thời bằng các biện pháp tổng hợp./.
Nơi nhận: - TT huyện ủy, UBND huyện (b/c); - Chi cục BVTV Phú thọ (b/c); - Ban chỉ đạo SX NN (các thành viên); - VP huyện ủy, VP UBND huyện; - Phòng NN & PTNT, Trạm KN, Trạm TY, Đài TT; - Hội ND, Hội PN, Hội CCB, Đoàn TN; - 33 xã, Thị trấn; - Lưu. | TRẠM TRƯỞNG Cao Văn Tài |