Thông báo sâu bệnh kỳ 22/4 dự báo 10 ngày tới và biện pháp phòng trừ
Tam Nông - Tháng 4/2013

(Từ ngày 22/04/2013 đến ngày 02/05/2013)

CHI CỤC BVTV PHÚ THỌ

TRẠM BVTV TAM NÔNG

 Số: 24/TB - BVTV

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Tam Nông, ngày 23 tháng 4 năm  2013

THÔNG BÁO

Tình hình sâu bệnh kỳ 22/4 và dự báo 10 ngày tới và biện pháp phòng trừ

I/ DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH SÂU BỆNH TRÊN CÂY LÚA:

Hiện nay lúa chiêm xuân đang trong giai đoạn làm đòng - trỗ bông. Đây là giai đoạn cây lúa rất mẫn cảm với các đối tượng sâu bệnh, dễ bị thiệt hại lớn về năng suất. Theo kết quả điều tra sâu bệnh trên toàn huyện của trạm BVTV từ ngày 16-19/4/2013, một số đối tượng sâu bệnh tiếp tục  phát sinh, phát triển có nguy cơ gây hại nặng diện rộng trong thời gian tới, cụ thể:   

1. Châu chấu tre lưng vàng:

* Hiện nay: Trên địa bàn các xã Hùng Đô, Quang Húc, Văn Lương, Tứ Mỹ, Cổ Tiết, Xuân Quang, Dị Nậu, Hiền Quan, Phương Thịnh, Tề Lễ phát hiện châu chấu đã nở từng ổ ven đồi rừng, bờ cỏ đã và đang di chuyển gây hại trên cây lúa,  ngô xuân với mật độ trung bình 50 - 100 con/m2, cao 200 - 500 con/m2 , cục bộ > 4.000 con/ổ, Phát dục chủ yếu tuổi 2 và tuổi 3. Tổng diện tích nhiễm châu chấu toàn huyện là  64,5 ha, diện tích đã phòng trừ 64,5 ha.

* Dự báo: Châu chấu sẽ còn tiếp tục di chuyển phát tán gây hại trên lúa, ngô nếu không được phát hiện sớm và phòng trừ kịp thời. Đây là loại châu chấu có khả năng di chuyển nhanh, sức phá hại lớn và khó kiểm soát.

2. Sâu đục thân:                                            

* Hiện nay:

- Sâu non đục thân cú mèo và 5 vạch đã nở và gây bông bạc rải rác trên một số ruộng lúa trỗ sớm (15-20/4/2013) chưa được phòng trừ hoặc phòng trừ kém hiệu quả. Diện tích đã phòng trừ 390/600 ha dự kiến.

- Sâu đục thân 2 chấm: Bướm sâu đục thân đã bắt đầu vũ hóa với mật độ trung bình 0,02- 0,05 con/m2, cao 0,1con/m2.

* Dự báo:

- Sâu non sâu đục thân cú mèo và 5 vạch tiếp tục nở và gây hại trên diện tích trỗ sớm đến 25/4/2013. Diện tích cần phòng trừ tiếp khoảng 210 ha.

- Bướm sâu đục thân 2 chấm tiếp tục ra và đẻ trứng trong thời gian tới. Sâu non nở rộ và gây hại từ ngày 28/4 trở đi trên trà muộn trỗ từ 25/4-10/5/2013. Thời gian phòng trừ từ 28/4 - 05/5/2013. Dự kiến diện tích cần phòng trừ khoảng 400 ha.

3. Bệnh khô vằn:                                                       

* Hiện nay bệnh đã phát sinh và gây hại trên lúa  ở hầu hết các xã và thị trấn, tỷ lệ dảnh hại trung bình: 12 -  18%, cao 20 - 30%, cục bộ ruộng 35 - 50% (Hồng Đà, Dị Nậu,…).

* Dự báo: Trong điều kiện thời tiết âm u, nắng mưa xen kẽ bệnh tiếp tục phát triển lây lan gây hại nhẹ - trung bình, cục bộ hại nặng trên những ruộng thâm canh cao, rậm rạp, bón phân không cân đối. Diện tích cần phòng trừ khoảng 1250 ha.

4. Bệnh đạo ôn:                                             

* Hiện nay: Nguồn bệnh xuất hiện trên đồng ruộng có nguy cơ tiềm ẩn gây hại lên cổ bông.

* Dự báo: Trong thời gian tới nếu điều kiện thời tiết tiếp tục thuận lợi (trời âm u, ẩm độ không khí cao kéo dài) bệnh sẽ lây lan nhanh gây hại mức nhẹ - trung bình trên giống nhiễm: lúa nếp, Xi 23, X21, BC15… trỗ từ 25/4 trở đi.

Ngoài ra: Bọ xít dài, bệnh sinh lý, rầy các loại, chuột,  bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh bạc lá…. gây hại  nhẹ rải rác.

II/ BIỆN PHÁP CHỈ ĐẠO PHÒNG TRỪ:  

- Đề nghị UBND các xã, TT chỉ đạo tổ khuyến nông và bà con nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến của các đối tượng sâu bệnh.

- Tập huấn kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh và hướng dẫn kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV đảm bảo an toàn - hiệu quả cho bà con nông dân.

Biện pháp kỹ thuật phòng trừ:

1. Châu chấu tre lưng vàng: Khi phát hiện ổ châu chấu tre lưng vàng sử dụng thuốc đặc hiệu như: Victory 585 EC, pha và phun theo hướng dẫn trên vỏ bao bì.

2. Sâu đục thân:  Khi ruộng có mật độ ổ trứng 0,3 ổ/m2 sử dụng một trong các loại thuốc đặc hiệu như: Victory 585 EC, Tasodant 600 EC, Dylan 10 WG, Fidur 220 EC… pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì.

2. Bệnh khô vằn:  Khi bệnh xuất hiện ngừng bón các loại phân hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng, giữ nguyên mực nước, vơ bỏ dảnh bệnh. Ruộng có tỷ lệ dảnh hại trên 20%, dùng một trong các loại thuốc Cavil 50 SC, Lervil 5SC, Anvil 5 SC, Aloannong 50SL, Validacin 5SL, ...

3. Bệnh đạo ôn: Trên ruộng đã có đạo ôn lá, ngừng bón các loại phân hóa học, không phun thuốc kích thích sinh trưởng, vơ bỏ lá bệnh, phòng trừ trên các giống nhiễm bệnh bằng một trong các loại thuốc đặc hiệu: Kabim 30WP, Katana 20SC, Beam 75 WP, Fuji once 40WP, New Hinosan 30EC…

*Ngoài ra: Rầy các loại, bọ xít dài, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh bạc lá kiểm tra phát hiện sớm và theo dõi, phòng trừ kịp thời khi đến ngưỡng.

Lưu ý: Dùng một loại thuốc trừ sâu đục thân có thể phòng trừ luôn được cả châu chấu và bọ xít dài. Sử dụng thuốc BVTV đảm bảo an toàn - hiệu quả, theo nguyên tắc 4 đúng (đúng thuốc, đúng lúc, đúng nồng độ - liều lượng, đúng cách), đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên nhãn bao bì trước khi mua và sử dụng.

Nơi nhận:
- Chi cục BVTV (b/c);  
- TTHU- HĐND - UBND huyện (b/c);
- Phòng NN&PTNT huyện (b/c);
- Các ban ngành liên quan (p/h);
- UBND các xã và thị trấn (t/h);
- Đài TT huyện;
- Thành viên tổ công tác giúp việc BCĐSX
- Lưu. 

P. TRẠM TRƯỞNG  

Lê Hồng Thiết

Các thông báo sâu bệnh khác
Loading...