thông báo sâu bệnh tháng 3, dự báo sâu bệnh tháng 4 và BPPT
Lâm Thao - Tháng 4/2021

(Từ ngày 01/04/2021 đến ngày 30/04/2021)

THÔNG BÁO TÌNH HÌNH SINH VẬT GÂY HẠI (SVGH) THÁNG 3

DỰ BÁO TÌNH HÌNH (SVGH) THÁNG 04/2021

I/ TÌNH HÌNH (SVGH)TRONG THÁNG 3/2021:

Trong tháng 3, các đối tượng sâu bệnh tập trung gây hại trên cây rau màu và trên lúa chiêm xuân như sau:

       1. Trên lúa:

       - Chuột phát sinh và gây hại  cả 2 trà mức độ hại nhẹ. Tổng diện tích chuột gây hại 73,2ha. Chủ yếu là hại nhẹ, không có diện tích hại trung bình và nặng.

        2.Trên Rau:

- Bọ nhảy: Gây hại nhẹ đến trung bình trên rau cải. Tổng diện tích nhiễm 2,7ha trong đó nhiễm nhẹ: 2,0 ha; nhiễm trung bình: 0,7 ha. Tổng diện tích đã phòng trừ: 0,7 ha.

- Sâu xanh: Gây hại nhẹ trên rau cải, bắp cải, xu hào.Tổng diện tích nhiễm 2,3 ha, trong đó nhiễm nhẹ: 1,8 ha; nhiễm trung bình 0,5ha. Diện tích đã phòng trừ 2,3 ha.

- Bệnh sương mai: Phát sinh và gây hại mức độ hại nhẹ. Tổng diện tích nhiễm 0,5 ha, chỉ nhiễm nhẹ, Đã được phòng trừ.

       II/ DỰ BÁO TÌNH HÌNH( SVGH) THÁNG 04/2021:

1.     Trên lúa xuân:

+ Bệnh đạo ôn: Nguồn bệnh đã xuất hiện rải rác trên các trà lúa ở hầu hết các xã, thị trấn. Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn khu vực Việt Bắc, trong thời gian tới trời tiếp tục có mưa nhỏ, độ ẩm không khí cao, nhiều mây, âm u, đêm và sáng trời lạnh. Cây lúa được bổ sung đạm do bón đón đòng nên cũng là điều kiện để bệnh tiếp tục phát sinh, lây lan, gây hại có thể gây cháy chòm, ổ trên lá nếu không phòng trừ tốt, đồng thời là nguồn bệnh hại trên cổ bông, cổ gié gây thiệt hại lớn về năng suất nếu không được phòng trừ đặc biệt là trên các ruộng đã bị bệnh, trên giống mẫn cảm (J02, TBR225, Thiên ưu 8, BC15, lúa nếp,...). Các xã cần chú ý Vĩnh Lại, Bản Nguyên, Phùng Nguyên, Sơn Vy...

- Bệnh khô vằn: Bệnh sẽ phát sinh mạnh hơn vào cuối tháng, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những ruộng lúa rậm rạp, bón nhiều đạm và bón phân không cân đối, nhất là trên diện tích lúa đang làm đòng. Tất cả các xã, thị trấn cần lưu ý.

- Rầy các loại tiếp tục tích lũy mật độ gây hại vào cuối tháng 4 trên những diện tích lúa J02, Nếp đang  phơi màu đến ngậm sữa, mức độ gây hại nhẹ đến trung bình, cục bộ ổ có thể gây cháy ổ, cháy chòm. Cần lưu ý những ổ rầy gây hại của năm trước. Các xã cần lưu ý: Vĩnh Lại, Bản Nguyên, Cao Xá, Tiên Kiên...

- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Trong tháng 4, khi thời tiết chuyển mùa thường sẽ có những cơn mưa rào kèm theo dông lốc, bệnh sẽ phát sinh, lây lan và gây hại bộ lá đòng trên tất cả các trà lúa; mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ ổ nặng, cần lưu ý trên các giống lúa có bản lá to, mềm, ruộng bón nhiều đạm, bón phân không cân đối.

- Chuột: Tiếp tục gây hại cục bộ, đặc biệt đối với những nơi có địa hình phức tạp, gần đồi gò, khu chợ, dân cư, khu đồng có trang trại chăn nuôi, nghĩa trang, ven đường lớn có trồng cỏ voi,....

Ngoài ra: Sâu đục thân, sâu cuốn lá gây hại nhẹ, rải rác.

2. Trên cây rau: Sâu tơ, sâu xanh, bọ nhảy, bệnh sương mai gây hại nhẹ; bệnh thối nhũn, rệp gây hại rải rác.

3. Trên ngô xuân: Sâu keo mùa thu, sâu đục bắp, bệnh khô vằn gây hại nhẹ. Chuột gây hại cục bộ cần lưu ý diện tích trồng ngô ven sông. Ngoài ra bệnh đốm lá nhỏ, rệp cờ hại rải rác.

III/ BIỆN PHÁP KỸ THUẬT PHÒNG TRỪ:

1. Trên lúa:

  - Bệnh đạo ôn: Khi phát hiện ruộng bị bệnh, không bón các loại phân hoá học và thuốc kích thích sinh trưởng, đồng thời cần phòng trừ ngay bằng các loại thuốc ví dụ như: Fu-army 30WP, 40EC, Katana 20SC, Ka-bum 650WP, Funhat 40WP, Filia 525SE, .... Nếu ruộng bị nặng cần phải phun kép (2 lần), cách nhau 5 - 7 ngày, phun kỹ cho thuốc tiếp xúc đều trên lá trên bông. Đặc biệt trên những diện tích lúa đã bị đạo ôn lá gây hại, khi lúa bắt đầu trỗ thấp thoi nhất thiết phải phun thuốc phòng trừ đạo ôn cổ bông bằng các loại thuốc trên.

- Bệnh khô vằn: Khi ruộng lúa nhiễm bệnh có tỷ lệ dảnh hại trên 20%, tiến hành phun trừ bằng các loại thuốc có trong danh mục, ví dụ: Chevin 5SC, Valicare 8SL, Lervil 50SC, Jinggangmeisu 3SL, Valivithaco 5SL,...), pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.

- Chuột: Tiếp tục tổ chức diệt chuột tập trung ở những khu, cánh đồng chuột còn gây hại mạnh trước khi lúa trỗ bằng các biện pháp.

- Ngoài ra: Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, rầy các loại cần phải theo dõi chặt chẽ để có biện pháp phòng trừ kịp thời

2. Trên cây rau: Áp dụng biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM, chỉ phun phòng trừ những diện tích có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh vượt ngưỡng bằng các loại thuốc đặc hiệu có trong danh mục đăng ký cho rau.

- Bọ nhảy: Khi mật độ sâu trên 20 con/m2, sử dụng các loại thuốc như: Aremec 36EC, Prevathon 35WG, Shertin 3.6EC/ 5.0EC, Trutat 0.32EC, Eagle 5EC, Sokupi 0.36SL, Tasieu 5WG,...

- Sâu xanh: Khi mật độ sâu trên 6 con/m2, sử dụng một số loại thuốc như: Dylan 2EC, Aremec 36EC, Kuraba WP, Catex 1.8EC (3.6EC), Pegasus 500SC, Pesieu 500SC, Emaben 2.0EC (3.6WG), Silsau 4EC, Newsodant 5EC, Altivi 0.3EC, Sokupi 0.36SL,...

- Sâu tơ: Khi mật độ sâu trên 20 con/m2 (giai đoạn cây con) hoặc trên 30 con/m2 (khi cây lớn), sử dụng một số loại thuốc như: Dylan 2EC, Aremec 36EC, Kuraba WP, Delfin WG, Comda gold 5WG, Pegasus 500SC, Pesieu 500SC, Emaben 2.0EC, Trutat 0.32EC, Match 050EC, Altivi 0.3EC, Sokupi 0.36SL,...

3. Trên cây ngô:

- Sâu keo mùa thu: Khi mật độ sâu non từ 4 con/m2 trở lên. Sử dụng một số thuốc như: Vayego 200SC, Emaben 2.0 EC, Dylan 2.0 EC; Tasieu 3.6EC, Angun 5WG, Actimax 50 WG, Emagold 160SC, Chetsau 100WG, Clever 300WG/150SC, Millerusa 400SC, Indogold 150SC.... Phun khi sâu tuổi nhỏ (tuổi 1-2), nếu mật độ cao có thể phun kép (2 lần), lần 1 cách lần 2 từ 4 - 6 ngày, phun bằng mắt mèo chụp, phun ướt đều hai mặt lá và nõn ngô, thời điểm phun tốt nhất vào buổi chiều tối.

Lưu ý: Chỉ sử dụng các thuốc có trong Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, pha và phun theo hướng dẫn ghi trên bao bì, chú ý đảm bảo thời gian cách ly; khi sử dụng thuốc BVTV xong phải thu gom vỏ bao bì đúng nơi quy định của địa phương.

Nơi nhận:

- T.T.H.Uỷ ,HĐND, UBND Huyện   (b/c);

- Chi cục TT&BVTV (b/c);

- Phòng NN, KN, hội ND, PN, đài TT huyện;

- UBND, HTX, tổ KN các  xã,  thị trấn;

- Lưu trạm.

TRẠM TRƯỞNG

Đặng Thị Thu Hiền

Các thông báo sâu bệnh khác
Loading...