THÔNG BÁO
Kết quả tổng điều tra sâu bệnh đầu vụ xuân năm 2013
Từ ngày 18/3 - 20/3/2013 Trạm BVTV huyện Thanh Thủy đã tiến hành tổng điều tra sâu bệnh đầu vụ trên toàn huyện nhằm đánh giá nguồn sâu bệnh đầu vụ và dự báo tình hình sâu bệnh trong vụ xuân năm 2013. Kết quả như sau:
I. TÌNH HÌNH SINH TRƯỞNG
1. Tình hình sinh trưởng: Hiện tại cây lúa trong giai đoạn đẻ nhánh rộ - đứng cái. Những diện tích cấy được 40 - 50 ngày, lá ngọn của dảnh cái đã có hiện tượng thắt eo, vì vậy cần bón phân đón đòng sớm, kịp thời để tăng số hạt trên bông, nhiều hạt chắc, nếu bón muộn bông sẽ bé và ngắn ảnh hưởng đến năng suất sản lượng sau này.
2. Lượng phân cần bón:
+ Nếu bón phân N.P.K khép kín: bón 12 kg/sào N.P.K 12.5.10
+ Nếu sử dụng phân đơn: bón 3-4 kg/sào Đạm ure + 2-3 kg/sào Kali.
Lưu ý: - Một số diện tích bị hạn cần đưa nước vào ruộng rồi mới bón phân đón đòng thì mới hiệu quả.
- Ở một số xã: xã Trung Nghĩa, Yến Mao, Hoàng Xá, … có những diện tích lúa bị hạn khó điều tiết nước, rễ không hút được dinh dưỡng, lá bị đốm nâu (biểu hiện này rất dễ nhầm với bệnh đạo ôn lá), thì bón đón đòng bằng phân bón qua lá như XO Sogan Siêu ra rễ, XO Siêu lân, Pomior, ... Phun 2-3 đợt mỗi đợt cách nhau 5-7 ngày để cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt.
II. TÌNH HÌNH SÂU BỆNH ĐẦU VỤ
1. Bệnh đạo ôn:
* Hiện tại: Bệnh xuất hiện và gây hại nhẹ trên các giống nhiễm như: nếp, KD 18, BC 15, …; Tỷ lệ nhiễm phổ biến: 0,25 - 0,8%. (Trung Nghĩa, Đồng Luận, Đào Xá, …).
* Dự báo trong vụ: Cần đề phòng khi thời tiết ấm, trời âm u, ẩm độ không khí cao, bệnh đạo ôn cổ bông phát triển gây hại trên trà lúa xuân trung trong thời gian cuối tháng 4 và đầu tháng 5 trên những ruộng đã xuất hiện bệnh đạo ôn lá. Đặc biệt lưu ý trên các giống nếp, Xi23, X21, KD18, BC15, ...; Những ruộng lúa xanh tốt, rậm rạp, bón nhiều đạm.
2. Bệnh khô vằn:
* Hiện tại: Bệnh đã xuất hiện và gây hại trên những ruộng cấy dày, lá rậm rạp.
* Dự báo trong vụ: Bệnh tiếp tục lây lan và gây hại mạnh từ cuối tháng 4 đến hết tháng 5, giai đoạn lúa làm đòng - trỗ bông - chín sáp; Quy mô, mức độ hại tương đương và cao hơn năm 2012. Bệnh gây hại nặng trên các ruộng cấy dày, lá rậm rạp, bón nhiều phân đạm, ruộng thường xuyên bị hạn, ...
So với năm 2012, thời gian phát sinh sớm hơn (Cùng kỳ năm trước chưa có bệnh xuất hiện).
3. Sâu đục thân:
* Hiện tại: Sâu đục thân cú mèo và sâu đục thân 5 vạch xuất hiện và gây hại nhẹ trên một số xã: Trung Nghĩa, Đồng Luận, Xuân Lộc, Đào Xá, TT. Thanh Thủy. Tỷ lệ hại phổ biến 1,9 - 2,4%.
So với cùng kỳ năm 2012, thời gian phát sinh sớm hơn, quy mô gây hại cao hơn (Cùng kỳ năm 2012, sâu đục thân chưa gây hại).
Dự báo trong vụ: Sâu đục thân cú mèo và sâu đục thân 5 vạch giảm gây hại trong thời gian tới.
Sâu đục thân 2 chấm lứa 1 gây hại nhẹ (gây dảnh héo) trên các trà lúa từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4. Sâu lứa 2 gây bông bạc trong tháng 5, quy mô và mức độ tương đương năm 2012; Đây là lứa hại chính trong vụ cần quan tâm phòng trừ; Các xã cần chú ý là Xuân Lộc, Đào Xá, Thạch Đồng, TT. Thanh Thủy, Đồng Luận, Đoan Hạ, Hoàng Xá, Trung Nghĩa, ...
4. Ruồi đục nõn:
* Hiện tại : Gây hại tại hầu hết các xã; Tỷ lệ hại phổ biến 2,5-3,2%, cao 8,3 - 9,2%, Diện tích nhiễm 10,3 ha, trong đó nhẹ 10,3 ha.
So với năm 2012, thời gian phát sinh tương đương, quy mô gây hại thấp hơn cùng kỳ năm trước (Cùng kỳ năm 2012 diện tích nhiễm 20,6 ha).
* Dự báo trong vụ: Ruồi sẽ giảm gây hại trong thời gian tới, lúa giai đoạn đẻ nhánh có khả năng đền bù cao, không cần phòng trừ đối tượng này.
Các đối tượng khác: Rầy các loại, sâu cuốn lá nhỏ xuất hiện rải rác chưa đến ngưỡng phòng trừ; Nguồn sâu đầu vụ tương đương và thấp hơn năm 2012 và đang được tiếp tục theo dõi chặt chẽ.
III. BIỆN PHÁP CHỈ ĐẠO PHÒNG TRỪ
1. Biện pháp chỉ đạo
- Tháng 4 và 5 là hai tháng các đối tượng sâu bệnh gia tăng gây hại trong vụ; Đề nghị UBND các xã, thị trấn :
+ Huy động cán bộ khuyến nông cơ sở, bà con nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện kịp thời và phun triệt để các ổ sâu bệnh theo hướng dẫn của trạm BVTV.
+ Phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường thanh kiểm tra thị trường thuốc BVTV, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
+ Chỉ đạo Đài truyền thanh các xã, thị trấn tích cực đưa tin bài trên hệ thống loa truyền thanh về bón phân đón đòng sớm và diễn biến tình hình sâu bệnh, các biện pháp phòng trừ trong cao điểm.
2. Kỹ thuật phòng trừ
- Bệnh đạo ôn: Khi ruộng chớm bị bệnh, sử dụng các loại thuốc đặc hiệu: Bump 650 WP, Kansui 21,2 WP, Bemsuper 75WP, Fu-army 30WP, Katana 20 SC, ... pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.
- Bệnh khô vằn: Ruộng có tỷ lệ dảnh hại trên 20%, dùng thuốc Validacin 5SL, Anvil 5SC, Cavil 50SC, Lervil 5SC, Tilvil 50SC, V-T Vil 500SC, ... pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật ghi trên bao bì.
- Sâu đục thân: Trong thời gian này mật độ sâu thấp dưới ngưỡng phòng trừ chưa cần phun, khi thăm đồng và bón phân làm cỏ phát hiện sâu đục thân thì cắt sát gốc các dảnh héo đem tiêu hủy. Khi ruộng có mật độ ổ trứng trên 0,5 ổ/m2 hoặc tỷ lệ dảnh hại trên 10% sử dụng thuốc: Tasodant 600EC, Dylan 10WG, Rigell 800WG, Patox 95SP, ... pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật ghi trên vỏ bao bì.
Nơi nhận:
- Chi cục BVTV (b/c);
- TTHU- TTUBND huyện;
- Phòng NN&PTNT huyện;
- Các phòng ban liên quan;
- UBND các xã, thị trấn;
- Lưu Trạm.
|
TRẠM TRƯỞNG
Trần Duy Thâu
|