Thông báo tình hình SB tháng 03, dự báo SB tháng 04 - Trạm Thanh Thuỷ
Thanh Thủy - Tháng 4/2011

(Từ ngày 01/03/2011 đến ngày 30/03/2011)

CHI CỤC BVTV PHÚ THỌ

Trạm BVTV Thanh Thuỷ


Số: 05/TB - BVTV

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

           Thanh Thuỷ, ngày 07 tháng 04 năm 2011

THÔNG BÁO TÌNH HÌNH SÂU BỆNH THÁNG 03/2011

DỰ BÁO TÌNH HÌNH SÂU BỆNH THÁNG 04/2011

I/ TÌNH HÌNH SÂU BỆNH HẠI TRONG THÁNG 03/2011:         

1. Thời tiết: Trong tháng do ảnh hưởng của nhiều đợt không khí lạnh tăng cường nên trời có mưa nhỏ kéo dài, trời rét. Nhiệt độ trung bình 15 - 170C, cao 240C, thấp 10 - 130C. Cây trồng sinh trưởng phát triển chậm.

2. Cây trồng:

- Lúa xuân muộn: Đẻ nhánh.

- Đậu tương:  2- 4 lá.

- Ngô xuân: 5-8 lá.

3. Tình hình sâu bệnh:

a, Trên lúa:

- Ốc bươu vàng: Gây hại nhẹ -TB, cục bộ hại nặng. Tổng diện tích nhiễm là 327,9 ha. Trong đó diện tích nhiễm nhẹ là 152,7 ha; nhiễm TB là 87,6 ha; nặng là 87,6 ha. Diện tích phòng trừ là 175,2 ha. (Các xã cần chú ý: Đồng Luận, Hoàng Xá, Đào Xá, Yến Mao, Phượng Mao ….)

- Bệnh nghẹt rễ sinh lý: Gây hại nhẹ ở một số xã cụ thể: Đồng Luận, Trung Nghĩa, Xuân Lộc, Đào Xá …, diện tích nhiễm nhẹ là 102,4 ha.

- Các đối tượng: Ruồi đục nõn, bọ trĩ, bệnh đạo ôn lá, rầy các loại, chuột hại rải rác.

b, Trên ngô xuân: Bệnh sinh lý, sâu ăn lá, chuột, châu chấu gây hại nhẹ.

c, Trên cây đậu tương: Ruồi đục thân, sâu cuốn lá, bệnh nấm phấn trắng hại nhẹ.

 II/ DỰ BÁO TÌNH HÌNH SÂU BỆNH HẠI THÁNG 4/2011:

1. Trên lúa:

- Bệnh nghẹt rễ sinh lý: Tiếp tục gây hại trong điều kiện thời tiết có không khí lạnh tăng cường trên các chân ruộng dộc chua, ruộng cát pha thiếu nước mức độ hại nhẹ.

- Bệnh đạo ôn: Đề phòng trong điều kiện thời tiết ấm, trời âm u, ẩm độ không khí cao, bệnh đạo ôn lá xuất hiện, phát triển lây lan và gây hại trên các giống nếp, Xi23, X21, KD18, Q5, Nhị ưu 838... các ruộng lúa xanh tốt, bón nhiều đạm. Các xã đã có nguồn bệnh cần chú ý: Đồng Luận, Trung Nghĩa, Hoàng Xá, Đoan Hạ,….

- Bọ trĩ, ruồi đục nõn: Gây hại giai đoạn lúa đẻ nhánh, mức độ hại nhẹ.

- Ốc bươu vàng: Tiếp tục phát sinh, phát triển và gây hại trên ruộng trũng nước,  mức độ hại nhẹ đến trung bình.

- Rầy các loại: Có khả năng phát sinh, tích luỹ và gia tăng mật độ phức tạp trong điều kiện thời tiết nắng nóng sau những ngày chuyển mùa.

- Chuột hại nhẹ đến trung bình ở những ruộng ven gò, ven kênh mương, đường lớn, ven nghĩa trang.

Ngoài ra:  Châu chấu, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân gây hại nhẹ rải rác. Bệnh lùn sọc đen có khả năng xuất hiện và gây hại cục bộ trên những ruộng lúa, ngô vụ đông đã bị của những năm trước.

2. Trên ngô xuân: Chuột, sâu cắn lá, bệnh đốm lá gây hại nhẹ- trung bình.

3. Trên cây đậu tương, lạc: Sâu cuốn lá, bệnh nấm phấn trắng, bệnh lỡ cổ rễ, ruồi đục thân hại nhẹ đến trung bình.

III/  BIỆN PHÁP KỸ THUẬT PHÒNG TRỪ :

1. Trên lúa:

- Tập trung chăm sóc lúa, bón phân thúc đẻ; bón phân cân đối, không bón đạm lai rai, bón quá muộn.

- Tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và phòng trừ triệt để các ổ sâu bệnh, cần chú ý các đối tượng sau:

+ Ốc bươu vàng: Thu bắt ốc non, ốc trưởng thành, trứng trên ruộng, kênh mương đem tiêu huỷ. Trường hợp mật độ ốc cao, sử dụng thuốc hoá học Clodansuper 700 WP phun theo chỉ dẫn trên bao bì.

+ Bọ trĩ: Duy trì đủ nước trong ruộng. Phun phòng trừ khi mật độ bọ trĩ non trên 5000 con/m2 (30% dảnh hại) bằng các loại thuốc Rigell 800 WG, Regent 800 WG, Actara 25WG, ...phun theo chỉ dẫn trên vỏ bao bì.

+ Bệnh đạo ôn lá: Khi phát hiện ruộng chớm bị bệnh dừng bón các loại phân bón hoá học và thuốc kích thích sinh trưởng, cần giữ đủ nước trong ruộng. Trên những ruộng có tỷ lệ lá hại trên 5%, sử dụng thuốc Bemsuper 75WP, Beam 75 WP, Fuji - one 40 WP, New Hinosan 30 EC, Fu-army 30 WP, Kasai 21,2 WP, One - Over  40 EC, ... phun theo chỉ dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì.

- Ngoài ra cần giám sát chặt chẽ đối tượng rầy các loại để có biện pháp phòng trừ kịp thời nhằm ngăn chặn sự phát sinh của bệnh vi rút lùn sọc đen, khi phát hiện cây lúa bị nhiễm bệnh cần nhổ vùi ngay.

2. Trên ngô xuân: Chăm sóc, theo dõi sâu bệnh thường xuyên, phun trừ các ổ sâu bệnh đến ngưỡng phòng trừ. Kiểm tra, phát hiện và nhổ bỏ cây có triệu chứng nhiễm bệnh vi rút lùn sọc đen đem tiêu huỷ.

3. Trên cây đậu tương: Theo dõi chặt chẽ các đối tượng sâu bệnh hại. Phun trừ các ổ sâu bệnh đến ngưỡng phòng trừ bằng các loại thuốc đặc hiệu có trong danh mục.

Nơi nhận:
- Chi cục BVTV;
- TTHU- TTUBND huyện;
- Phòng NN&PTNT huyện;
- Thành viên BCĐSX huyện;
- Các ban ngành liên quan;
- UBND các xã và thị trấn;
- Lưu.

Trạm Trưởng

Trần Duy Thâu

Các thông báo sâu bệnh khác
Loading...