Thông báo tình hình sâu bệnh 10 ngày
Phú Thọ - Tháng 4/2010

(Từ ngày 05/04/2010 đến ngày 15/04/2010)

CHI CỤC BVTV PHÚ THỌ

TRẠM BVTV PHÚ THỌ


Số:12 /TB - BVTV

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


                  Phú Thọ, ngày 15  tháng  4 năm  2010

     

THÔNG BÁO TÌNH HÌNH SÂU BỆNH KỲ 05 - 15/04

VÀ DỰ BÁO SÂU BỆNH KỲ 16 - 25/04/2010

I/ TRÊN CÂY LÚA:

Hiện nay, các đối tượng sâu bệnh đã phát sinh và có thời gian tích lũy gia tăng số lượng để gây hại trên các trà lúa đang trong giai đoạn làm đòng - trỗ bông, đây là giai đoạn cây lúa rất mẫn cảm với sâu, bệnh và dễ bị thiệt hại lớn về năng suất, cụ thể như sau:

1. Bệnh khô vằn:

* Hiện tại: Bệnh gây hại trên tất cả các trà, tỷ lệ dảnh hại phổ biến 8 - 12%, cao 20 - 30%, cục bộ trên 50% (Hà Thạch, Hà Lộc, Trường Thịnh), cấp bệnh chủ yếu cấp 3, 5. Diện tích nhiễm 346,1 ha, trong đó nhiễm nặng 94,4 ha. Diện tích đã phòng trừ 120 ha.

* Dự báo: Bệnh tiếp tục phát sinh lây lan và gây hại trên diện rộng, mức độ hại trung bình đến nặng, cục bộ rất nặng. Nếu không được phòng trừ kịp thời bệnh phát triển lên lá đòng sẽ làm ảnh hưởng tới năng suất. Dự kiến diện tích nhiễm tổng số 450 - 500ha. Diện tích cần phòng trừ: 270 - 350 ha.

* Biện pháp chỉ đạo, phòng trừ: Tăng cường công tác kiểm tra đồng ruộng, hướng dẫn và đôn đốc nông dân phòng trừ kịp thời, triệt để những diện tích có tỷ lệ dảnh hại trên 20%, dùng thuốc Lervil 5SC, Aloannong 50SL, Validacin 5SL, Jinggang meisu 3SL, 5WP, ... (chú ý: phun 2 bình thuốc/sào, phun kỹ phần thân gốc lúa, những ruộng rậm rạp phải rẽ băng 1,2 - 1,5 m, ruộng bị nặng phun thuốc 2 lần liên tục cách nhau 5 - 7 ngày).

2. Bệnh đạo ôn:

* Hiện tại: Nguồn bệnh đã xuất hiện trên các trà ở hầu hết các xã và phường Trường Thịnh, tỷ lệ bệnh hại trung bình 0,5 - 1 %, cao 3 - 4%, cục bộ ổ 10 - 13%. Diện tích nhiễm 69,1 ha. Diện tích đã phòng trừ 3,7 ha.

* Dự báo: Điều kiện thời tiết thuận lợi bệnh phát triển gây hại cổ bông làm bông lúa bạc trắng, mức độ hại nhẹ, cục bộ hại trung bình, cá biệt ruộng hại nặng. Chú ý những giống nhiễm: lúa nếp, Xi23, X21, DT, … và những ruộng hiện đang bị đạo ôn lá.

* Biện pháp chỉ đạo, phòng trừ: Tăng cường kiểm tra phát hiện những ruộng đã có đạo ôn lá, phải phun phòng đạo ôn cổ bông trước trỗ hoặc sau khi đã trỗ thoát. Những ruộng bị đạo ôn cổ bông phải phun thuốc ngay khi có tỷ lệ bệnh 2,5% bằng các loại thuốc đặc hiệu: Bump 80 WP, PN Balacide 32 WP, Fuji one 40WP, BeamSuper 75WP, Fu - Army 30WP, ... thời điểm phun tốt nhất trước khi lúa trỗ 5 - 7 ngày.

3. Rầy các loại (Rầy nâu, rầy xám, rầy lưng trắng):

* Hiện tại: Rầy lứa 2 đã phát sinh với nhiều đợt gối tiếp nhau ở, phát dục từ tuổi 1 đến trưởng thành trong đó chủ yếu là rầy tuổi 2 - 4. Mật độ trung bình 50 - 120 con/m2, cao 200 - 300 con/m2.

* Dự báo: Rầy tiếp tục tích luỹ và gia tăng mật độ. Mức độ hại nhẹ, cục bộ hại trung bình. Rầy chưa có khả năng gây hại nặng. Tuy nhiên cần chú ý theo dõi để dự báo cho thời gian tiếp theo.

* Biện pháp chỉ đạo, phòng trừ: Chỉ phòng trừ trên những ruộng có mật độ rầy trên 1500 con/m2, sử dụng các loại thuốc nội hấp như Penalty 40 WP, Sectox 10WP, Conphai 700 WG, Amira 25 WG, Actara 25 WP, ... pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì.

4. Bọ xít dài:

            * Hiện tại: Bọ xít đã phát tán trên đồng ruộng và tập trung gây hại trên những ruộng trỗ sớm. Mật độ trung bình 0,5 - 2 con/m2, cao 3 - 4 con/m2, cục bộ 10 - 12 con/m2. Diện tích nhiễm 7,5 ha, diện tích phòng trừ 3 ha.

            * Dự báo: Bọ xít tiếp tục phát sinh và gây hại lúa từ bắt đầu trỗ đến ngậm sữa. Chú ý những ruộng trỗ sớm xen kẽ, ruộng ven đồi rừng, luỹ tre có khả năng hại nặng.

            * Biện pháp phòng trừ: Những ruộng có mật độ 6 con/m2 sử dụng các loại thuốc: Địch bách trùng, Fastac, Bestox, … phun vào sáng sớm hoặc chiều mát.

5. Chuột hại:

* Hiện tại: Chuột gây hại trên các trà, tỷ lệ dảnh hại trung bình 0,5 - 2,5 %, cao 13,8%. Diện tích nhiễm 78,9 ha, trong đó nhiễm nặng 18,5 ha, đã sử dụng trên 800kg thuốc bả chuột sinh học từ cuối tháng 3, vì vậy một số điểm chuột hại nhiều đã giảm rõ rệt.

* Dự báo: Chuột tiếp tục gia tăng gây hại mạnh trên các trà do lúa đang giai đoạn làm đòng là nguồn thức ăn rất thích hợp. Chú ý những khu đồng dộc, những ruộng bị chuột hại quen thuộc ở các vụ trước.

* Biện pháp phòng trừ: Tăng cường diệt chuột bằng biện pháp tổng hợp. Giai đoạn này chuột rất ít ăn mồi bả thuốc hóa học nên cần tổ chức diệt chuột tập trung bằng thuốc sinh học sản xuất tại chỗ. Dùng thuốc RAT - K 2%D trộn với thóc luộc nứt nanh hiệu quả rất cao (các địa phương có thể huy động nông dân góp lúa, xã hỗ trợ tiền thuốc khoảng 1.000 đ/sào để đánh chuột tập trung).

6. Ngoài ra: Sâu đục thân hai chấm phát sinh gây hại nhẹ, cục bộ hại trung bình. Bọ trĩ gây hại nhẹ đến trung bình trên những ruộng bị hạn, gieo cấy muộn. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn phát sinh gây hại rải rác. Chú ý phát hiện sớm triệu chứng bệnh lùn sọc đen.

II/ TRÊN CÂY ĐẬU TƯƠNG:

Đậu tương đang vào giai đoạn phân cành, ra hoa và có quả non nên có sự thay đổi các đối tượng sâu bệnh gây hại so với giai đoạn cây con, cụ thể:

1. Sâu đục thân, cành, quả:

* Hiện tại: Sâu phát sinh gây hại rải rác, mức độ hại nhẹ. Tỷ lệ hại phổ biến 0,2 - 0,5%, cục bộ 3%.

* Dự báo 10 ngày tới: Sâu tiếp tục phát triển gây hại do giai đoạn cây trồng phù hợp, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ nặng nếu không phòng trừ kịp thời.

* Biện pháp phòng trừ: Phun phòng trừ cho tất cả diện tích đậu tương khi có tỷ lệ cây, quả bị hại từ 5 %. Sử dụng các loại thuốc Kuraba 1,8 EC, Regent 800WG, Tasodant 600 EC, Silsau, Finico 800 WG, …

2. Sâu cuốn lá:

* Hiện tại: Sâu cuốn lá phát dục chủ yếu tuổi 5 và nhộng, mức độ hại nhẹ, cục bộ hại trung bình trên những diện tích không phòng trừ hoặc phòng trừ kém hiệu quả. Trong thời gian qua cơ bản những diện tích bị nhiễm đã được phun thuốc phòng trừ.

* Dự báo: Sâu non tiếp tục gây hại, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những diện tích không phòng trừ hoặc phòng trừ kém hiệu quả; Sau đó chuẩn bị vào nhộng, vũ hóa và chuyển lứa.

* Biện pháp phòng trừ: Do sâu tuổi lớn nên sử dụng các biện pháp thủ công như ngắt bao lá, giết sâu; Một số diện tích trồng muộn đang giai đoạn 2 - 4 lá kép sử dụng các loại thuốc Regent 800WG, Finico 800 WG, Actamec 20EC, 40EC ... hỗn hợp với các loại thuốc tiếp xúc như Bestox 5EC hoặc Pertox 5EC để phòng trừ.

3. Ngoài ra: Sâu khoang ăn lá, bệnh sương mai, bệnh phấn trắng, bệnh gỉ sắt gây hại nhẹ rải rác.

III/ BIỆN PHÁP CHỈ ĐẠO PHÒNG TRỪ:

 Đề nghị UBND các xã và phường Trường Thịnh:

- Chỉ đạo, ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng vật nuôi ở địa phương, phân công cán bộ xuống các cơ sở kiểm tra, đôn đốc công tác phòng trừ sâu bệnh, cần giao trách nhiệm cụ thể cho các thành viên Ban chỉ đạo trên địa bàn phụ trách.

- Chỉ đạo các HTX nông nghiệp, tổ khuyến nông và các cộng tác viên khuyến nông cơ sở tăng cường kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc tình hình sâu bệnh, hướng dẫn, đôn đốc nông dân phòng trừ sâu bệnh kịp thời có hiệu quả.

- Chỉ đạo đài truyền thanh xã tăng thời lượng thông tin tình hình sâu bệnh và biện pháp phòng trừ.

Nơi nhận:

- LĐ thị uỷ, UBND thị (để B/C);

- Chi cục BVTV (để B/C);

- Các phòng ban, đoàn thể LQ;

- UBND các xã, phường TT;

- Các HTX nông nghiệp;

- Lưu.

TRẠM BẢO VỆ THỰC VẬT PHÚ THỌ

TRƯỞNG TRẠM

DƯƠNG THƯ

Các thông báo sâu bệnh khác
Loading...