Thông báo cao điểm sâu bệnh vụ mùa năm 2010
Phú Thọ - Tháng 7/2010

(Từ ngày 01/01/1754 đến ngày 31/12/9999)

CHI CỤC BVTV PHÚ THỌ

TRẠM BVTV PHÚ THỌ


Số: 29/TB - BVTV

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


Phú Thọ, ngày 17 tháng 7 năm  2010

THÔNG BÁO CAO ĐIỂM SÂU BỆNH HẠI LÚA VỤ MÙA 2010

          Kết quả điều tra sâu bệnh bổ sung từ 07 - 15/7 cho thấy trà mùa sớm chiếm khoảng 50% diện tích đang ở giai đoạn cuối đến kết thúc đẻ nhánh, trà mùa trung khoảng 20% diện tích đang đẻ rộ, còn lại trà muộn là diện tích do bị hạn chờ nước trời vẫn đang tiếp tục gieo cấy đến bén rễ hồi xanh. Tình hình sâu bệnh đang tích luỹ và gia tăng mật độ, hình thành nên một cao điểm sâu bệnh hại nặng cho lúa mùa.

          Để chủ động phòng chống dịch hại, bảo vệ an toàn sản xuất vụ mùa trạm bảo vệ thực vật Phú Thọ dự báo tình hình diễn biến sâu bệnh trong cao điểm và đề nghị biện pháp chỉ đạo phòng trừ như sau:

I. Dự báo tình hình sâu bệnh

* Dự báo chung:

- Thời gian cao điểm: từ đầu tháng 8 đến khoảng 20/9/2010.

- Đối tượng gây hại chính: Sâu cuốn lá nhỏ, rầy, sâu đục thân, chuột, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá. Ngoài ra bọ xít dài, cào cào, châu chấu, bệnh sinh lý, bệnh đốm sọc vi khuẩn phát sinh gây hại cục bộ.

- Quy mô, mức độ: sâu bệnh có khả năng gây hại ở mức độ trung bình - nặng, cục bộ rất nặng, có thể cao hơn vụ mùa năm 2009.

* Dự kiến các đối tượng chính như sau:

1. Sâu cuốn lá nhỏ: Có 2 lứa gây hại:

- Bướm lứa 5 ra rải rác từ 25/7 và ra rộ từ 27/7 - 02/8/2010. Sâu non sẽ nở rộ từ đầu tháng 8 và gây hại từ 10/8 trở đi trên lúa mùa sớm đang làm đòng - trỗ bông, trà trung đang đứng cái - làm đòng, trà muộn đang đẻ rộ, mật độ phổ biến 50 - 70 con/m2, thấp 25 - 30 con/m2, cao trên 200 con/m2. Đây là lứa sâu rất quan trọng có khả năng gây hại rộng, mức độ hại nặng - rất nặng ở tất cả các trà lúa. Nếu không phòng trừ kịp thời có thể ảnh hưởng lớn đến năng suất. Dự kiến diện tích nhiễm 800-850ha. Diện tích cần phòng trừ 700-750 ha

- Bướm lứa 6 ra rải rác khoảng 20/8, nở rộ từ 25/8/2010 trở đi. Sâu non nở rộ cuối tháng 8 và gây hại từ đầu đến giữa tháng 9 trên trà trung đang làm đòng - trỗ bông, trà muộn đang đứng cái - làm đòng. Mật độ phổ biến 40 - 50 con/m2, thấp 20 - 30 con/m2, cao 150 - 200 con/m2. Đối với lứa này cần chú ý phòng trừ trên trà lúa muộn và một phần trà trung cấy sau. Dự kiến diện tích nhiễm khoảng 450 ha, diện tích cần phòng trừ 250-300 ha.

2. Bệnh khô vằn:

- Bệnh phát sinh cuối tháng 7, phát triển lây lan gây hại mạnh đầu tháng 8 (xung quanh 10/8) trở đi. Mức độ hại trung bình đến nặng. Tỷ lệ dảnh hại phổ biến 10 - 15%, cao 30 - 35%, cục bộ > 60%. Dự kiến diện tích nhiễm 450 - 500 ha, diện tích cần phòng trừ 250 - 300 ha.

3. Sâu đục thân:

          - Bướm lứa 4: Nở rộ từ 10/8, sâu non nở và gây bông bạc trên trà mùa sớm làm đòng - trỗ bông, trà mùa muộn đang đẻ rộ, mức độ nhẹ, cục bộ hại trung bình. Tỷ lệ hại phổ biến là 1 - 2%, cao 4 - 5%, cục bộ ruộng > 10%.

          - Bướm lứa 5: ra rộ khoảng 15/9, sâu non nở và gây hại ở mức trung bình đến nặng, cục bộ rất nặng trên trà mùa muộn.

          4. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Bệnh phát sinh gây hại từ 10/8 trở đi trong điều kiện thời tiết thay đổi đột ngột, mưa bão nhiều bệnh phát sinh lây lan và gây hại mạnh. Chú ý 1 số giống nhiễm như: lúa lai, lúa nếp, KD18,...

          5. Một số sâu bệnh khác:

          - Rầy các loại (Rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy xám): Có 3 lứa rầy phát sinh gây hại liên tục trên lúa mùa. Chú ý rầy lứa 7 phát sinh khoảng đầu đến giữa tháng 9 gây hại cục bộ nặng có thể gây cháy chòm, cháy ổ trên lúa từ trỗ - chín.

          - Chuột: di chuyển về đồng ruộng và gây hại suốt vụ, mức độ hại nhẹ - trung bình, cục bộ hại nặng. Chú ý ruộng chuột phá quen thuộc, ruộng ven đồi gò, ven làng, ven nghĩa trang, ...

          - Bọ xít dài: Có 2 đợt gây hại. Đợt 1 phát sinh giữa tháng 8 gây hại trên trà mùa sớm, những ruộng ven đồi gò, trỗ sớm có khả năng bị hại nặng. Đợt 2 phát sinh gây hại trên trà lúa muộn mức độ hại nhẹ - trung bình, cục bộ nặng.

          - Bệnh sinh lý: Phát sinh gây hại trên những ruộng dộc chua, ruộng khô hạn. Mức độ hại nhẹ, cục bộ hại trung bình.

          * Chú ý: Cần cảnh giác sự phát sinh của bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá, lùn sọc đen. Phải thường xuyên kiểm tra phát hiện sớm, thông báo kịp thời về tram bảo vệ thực vật khi có hiện tượng lúa bị bệnh để cùng phối hợp xử lý không để bệnh phát triển lây lan, gây hại.

II. Đề nghị biện pháp chỉ đạo, phòng trừ

          * Để chủ động phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả cao. Trạm bảo vệ thực vật Phú Thọ đề nghị 1 số biện pháp chỉ đạo, phòng trừ sau đây:

          1. Đề nghị ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng vật nuôi các xã và phường Trường Thịnh tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác phòng trừ sâu bệnh. Phân công các thành viên ban chỉ đạo xuống các cơ sở, đôn đốc các khu dân cư, HTX tổ chức, chỉ đạo nông dân phòng trừ sâu bệnh kịp thời.

          2. Tổ khuyến nông các xã, phường tổ chức, kiểm tra sâu bệnh đồng ruộng 5ngày/lần, nắm chắc tình hình sâu bệnh, tham mưu kịp thời cho UBND xã, phường tổ chức phòng trừ cao điểm sâu bệnh. Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật cho nông dân. Phân công các cộng tác viên khuyến nông thường xuyên kiểm tra sâu bệnh trên đồng ruộng, đôn đốc nông dân phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả tốt.

          3. Các HTX nông nghiệp: Thực hiện tốt công tác dịch vụ kỹ thuật đến nông dân. Cần coi công tác phòng trừ sâu bệnh trong cao điểm này là 1 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác chỉ đạo sản xuất. Thực hiện thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc tình hình sâu bệnh trên các khu vực, hướng dẫn đôn đốc nông dân phòng trừ kịp thời.

          4. Biện pháp kỹ thuật:

          Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng phát hiện sớm sâu bệnh. Chỉ sử dụng các loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ khi sâu bệnh đến ngưỡng:

          + Sâu cuốn lá nhỏ:

- Sâu lứa 5 trên trà sớm, trà trung mật độ 20 con/m2, trên trà cấy muộn đang đẻ nhánh mật độ 50 con/m2, sử dụng các loại thuốc như: Regent, Rambo, Rigell, Finico, Oncol, Actamec, .... thời gian phun thuốc dự kiến: từ 4 - 10/8 (sẽ có thông báo cụ thể vào thông báo tuần đầu tháng 8).

          - Sâu lứa 6 mật độ sâu từ 20 con/m2, sử dụng các loại thuốc như trên, thời gian phun thuốc dự kiến đầu tháng 9 (sẽ có thông báo cụ thể trước đợt phun thuốc).

          + Sâu đục thân: Khi mật độ bướm hoặc mật độ trứng từ 0,3 con, ổ/m2 sử dụng các loại thuốc như: Padan, Patox, Gà nòi, Regent, Rigell, Finico, ...

          + Bệnh khô vằn: Khi ruộng có tỷ lệ dảnh hại từ 20% dùng thuốc: Lervil, Tilvil, Validacin, Anvil, Vida, Til super, ....  phun kỹ phần thân gốc lúa.

          + Bọ xít dài: Khi ruộng có mật độ 6 con/m2 trở lên sử dụng các loại thuốc Fastac, Bectox, địch bách trùng, ...  phun vào buổi chiều mát.

+ Bệnh sinh lý: để mực nước nông bón phân chuồng hoai mục, bón vôi kết hợp làm cỏ sục bùn. Ruộng bị nặng kết hợp phun thuốc Antracol và phân bón lá.

+ Rầy các loại: Ruộng có mật độ rầy cám (tuổi 1, 2) trên 1500 c/m2 (30 con/khóm) sử dụng các loại thuốc: Penalty, Actara, Sectox, Midan, Superista, .... Giai đoạn lúa từ chắc xanh trở đi phải dùng thuốc: Bassa, Trebon,… rẽ băng rộng 0,8 – 1m phun kỹ phần gốc lúa.

+ Ngoài ra: phun phòng trừ các ổ  bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh đen lép hạt bằng các loại thuốc đặc hiệu: Stacner, Sasa, Xanthomix, ... Tích cực diệt chuột bằng biện pháp tổng hợp, trong đó chú trọng sử dụng thuốc sinh học.

Chú ý: Khi sử dụng thuốc phải đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì.

          Cao điểm sâu bệnh này có ý nghĩa kinh tế rất lớn. Trạm BVTV Phú Thọ đề nghị chính quyền các địa phương, các cơ quan liên quan, các đoàn thể quần chúng ở Thị quan tâm, phối hợp với trạm BVTV tổ chức, chỉ đạo cơ sở và nông dân phòng trừ sâu bệnh, bảo vệ an toàn sản xuất vụ mùa.

Nơi nhận:

- LĐ thị uỷ, UBND thị

- Chi cục BVTV

-Các cơ quan, đoàn thể LQ

-UBND các xã phường

-Các HTX nông nghiệp

- L­ưu.

        TRẠM BẢO VỆ THỰC VẬT PHÚ THỌ

TRẠM TRƯỞNG

                             DƯƠNG THƯ

Các thông báo sâu bệnh khác
Loading...