ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN CẨM KHÊ
Số: /UBND-BVTV
|
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Cẩm khê, ngày 29 tháng 6 năm 2009
|
PHƯƠNG ÁN
Bảo vệ thực vật vụ mùa, vụ đông năm 2009
Để chủ động phòng trừ dịch hại, bảo vệ an toàn cho sản xuất vụ mùa, vụ đông, triển khai có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. UBND huyện xây dựng và triển khai phương án BVTV vụ mùa – vụ đông năm 2009 với các nội dung sau:
I. Mục tiêu của công tác BVTV
* Thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về chuyên ngành BVTV
- Điều tra phát hiện sớm và nắm chắc diễn biến tình hình sâu bệnh, dự báo chính xác thời gian phát sinh, phát triển, quy mô, mức độ hại và vùng phân bố của từng đối tượng sâu bệnh, tham mưu đề xuất chủ trương, biện pháp chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh đảm bảo an toàn cho cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế.
- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, đảm bảo việc kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV theo đúng quy định. Phát hiện và ngăn chặn kịp thời không để các đối tượng kiểm dịch thực vật xâm nhập và phát tán gây hại cây trồng.
* Triển khai có hiệu quả các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, trọng tâm là hướng dẫn kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI) và chương trình Quản lý dịch hại tổng hợp( IPM) trên cây lúa, cây chè, cây rau... Từng bước nâng cao kiến thức kỹ thuật cho nông dân, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng.
II. Những đặc điểm chủ yếu của sản xuất vụ mùa - vụ đông năm 2009
1. Thời tiết
Vụ mùa thời tiết diễn biến thường phức tạp, bão lốc, mưa lũ thường xuyên xảy ra, nắng nóng và hạn hán kéo dài.
2. Cây trồng
a. Cây lúa
Tổng diện tích gieo cấy là 3.200 ha, định hướng bố trí cơ cấu giống lúa và thời vụ:
* Trà mùa sớm: 60-65% diện tích 1900-2000 ha
Gieo mạ từ 5 – 10/6. Sử dụng các giống lúa: BTST, Nhị ưu 838, VL24, VL20, KD18, KD đột biến, nếp 97, 87
*Trà mùa trung:35-40% diện tích :1200-1300 ha gieo mạ tử: 15-20/6
b. Cây ngô
- Ngô hè thu: 200 ha, trồng các giống: LVN10, DK888, C919, NK4300 NK66....
- Ngô vụ đông: 1750 ha, trên đất bãi trồng các giống: DK888, LVN10, NK4300,NK66 gieo trước 15/9.
- Ngô đông trên đất 2 lúa: trồng bầu bằng các giống: NK4300, NK66, C919, B06, LVN4, LVN99, DK999…trồng xong trước ngày 30/9;
c. Đậu tương:
Vụ hè: diện tích 50 ha, trồng các giống: DT19, ĐT12,DT84.
d.Cây lạc: Lạc mùa dt: 100 ha, lạc đông dt :50ha , trồng các giống : L14,L18, LVT...
e. Cây trồng khác:
Bí đỏ: trồng bí lai quả dài F1-125, củ cải, lạc che phủ nilon, các loại rau quả cao cấp khác…
f. Cây chè:
Trồng mới 30 ha bằng các giống: LDP1, LDP2 và thâm canh 90 ha.
3. Nguồn sâu bệnh
Nguồn sâu bệnh chuyển tiếp từ vụ xuân sang gây hại vụ mùa, bao gồm các đối tượng chính: sâu cuốn lỏ nhỏ, sâu đục thân, rầy các loại, bọ xít, chuột, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá…
III. Dự kiến tình hình sâu bệnh
1. Cây lúa
Căn cứ vào cơ cấu giống lúa, thời vụ, thời tiết, khí hậu và quy luật phát sinh phát triển của sâu bệnh dự báo: vụ mùa năm nay sâu bệnh gây hại trên quy mô rộng, mức độ hại từ trung bình đến nặng, cục bộ rất nặng, tương đương vụ mùa năm 2008 tập trung vào các đối tượng chính sau:
a. Trên mạ: Các đối tượng gây hại chính như: sâu cuốn lá, sâu đục thân, rầy các loại, chuột, châu chấu…
b. Trên lúa: Diễn biến của các đối tượng sâu bệnh hại chính như sau:
* Sâu cuốn lá nhỏ: Là đối tượng có khả năng gây hại diện rộng, mức nặng ở vụ mùa.
+ Bướm lứa 5: ra rộ vào khoảng đầu- giữa tháng 7, sâu non gây hại từ giữa đến cuối tháng 7, mức nhẹ, trung bình (cục bộ ổ nặng) trên trà mùa sớm đang đẻ nhánh Þ Đây là lứa sâu tích luỹ mật độ gây hại nặng vào lứa sau.
+ Bướm lứa 6: ra rộ vào khoảng đầu - giữa tháng 8, sâu non gây hại từ giữa đến cuối tháng 8 trên trà mùa sớm giai đoạn đòng già- trổ bông, lúa mùa trung giai đoạn đứng cái - làm đòng. Quy mô gây hại diện rộng, mức độ hại nặng đến rất nặng. Đây là lứa sâu cần được quan tâm theo dõi chặt chẽ nhất trong vụ.
+ Bướm lứa 7: ra rộ khoảng đầu - giữa tháng 9 – sâu non gây hại từ giữa đến cuối tháng 9, trên trà mùa trung mức nhẹ, trung bình.
* Sâu đục thân bướm 2 chấm:
+ Bướm lứa 3: ra rộ từ khoảng đầu đến giữa tháng 6, sâu non gây hại nhẹ trên mạ, lúa mùa sớm.
+ Bướm lứa 4: ra rộ từ khoảng cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, sâu non gây hại trà mùa sớm có thời gian trỗ trung tuần tháng 8. Mức độ hại trung bình – nặng, cục bộ rất nặng. Đây là lứa sâu quan trọng cần được quan tâm theo dõi nhất trong vụ.
+ Bướm lứa 5: ra rộ khoảng cuối tháng 8- đầu tháng 9, sâu non gây hại nhẹ trên diện tích trỗ muộn.
* Rầy các loại: nguồn rầy chuyển vụ rất cao.
+ Rầy cám lứa 5: ra rộ khoảng cuối tháng 7- đầu tháng 8, gây hại nhẹ trên trà mùa sớm.
+ Rầy cám lứa 6: ra rộ khoảng cuối tháng 8- đầu tháng 9, gây hại trà mùa sớm giai đoạn trỗ bông, phơi màu, vào chắc. Mức độ hại trung bình đến nặng, cục bộ rất nặng (có thể gây cháy rầy trên giống nhiễm). Đây là lứa rầy gây hại chính trong vụ.
* Chuột: Là đối tượng gây hại liên tục trong cả vụ, gây hại trên các trà lúa, các cây hoa màu… mức độ hại trung bình – nặng.
* Bệnh khô vằn: Phát sinh trên diện rộng, gây hại trên tất cả các trà lúa, mức độ hại trung bình – nặng. Phát sinh lây lan gây hại mạnh trong tháng 8 và tháng 9, gây hại nặng trên các ruộng thâm canh cao, bón thừa đạm, ruộng dộc chua, cao hạn…
* Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Bệnh phát sinh gây hại khi điều kiện nhiệt độ cao kèm theo mưa bão lớn, thời gian gây hại khoảng tháng 8 – tháng 9.
* Một số đối tượng khác:
- Bọ xít dài gây hại trà mùa sớm trỗ trước và trà mùa trung trỗ muộn, mức hại trung bình, cục bộ ổ nặng.
- Bệnh vàng lá sinh lý, bệnh thối bẹ đen lép hạt, sâu cắn gié, châu chấu…
2. Cây trồng khác
a. Cây ngô: Các đối tượng sâu bệnh chính: Sâu đục thân, đục bắp, rệp cờ, chuột… Bệnh sinh lý, bệnh khô vằn, bệnh đốm lá lớn, đốm lá nhỏ, bệnh gỉ sắt…
b. Cây rau đậu: Sâu tơ, sâu xanh, bọ nhảy, giòi đục lá… Bệnh lở cổ rễ, bệnh gỉ sắt, sương mai…
c. Cây chè: Các đối tượng gây hại như: Rầy xanh, bọ cánh tơ, bọ xít muỗi, nhện đỏ… Bệnh thán thư, bệnh thối búp gây hại.
IV. Biện pháp tổ chức chỉ đạo phòng trừ
1. Các phòng ban ở huyện
Phòng Nông nghiệp&PTNT, Trạm BVTV, Trạm Khuyến nông, các cơ quan liên quan thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước về công tác BVTV.
- Thực hiện tốt công tác điều tra DTDB sâu bệnh, nắm chắc diễn biến các đối tượng sâu bệnh, tham mưu chỉ đạo phòng trừ kịp thời, triệt để các ổ dịch khi sâu bệnh có nguy cơ bùng phát gây hại nặng diện rộng, kịp thời tham mưu, thành lập BCĐ, nhóm công tác kỹ thuật, huy động mọi lực lượng tham gia chống dịch… Cử cán bộ xuống các cơ sở, đôn đốc hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời đạt kết quả.
- Tăng cường kiểm tra, quản lý việc kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
- Tiếp tục tuyên truyền, triển khai ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất như:Hướng dẫn kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến (SRI), IPM trên cây lúa, cây rau, cây chè, và quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) cho rau ,quả tươi ,chè búp tươi an toàn … tạo cân bằng sinh thái, tạo ra sản phẩm an toàn, bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng.
- Đài Phát thanh truyền hình tăng cường tuyên truyền về tình hình sâu bệnh, hướng dẫn các biện pháp phòng trừ trong các cao điểm sâu bệnh.
- Các đại lý thuốc BVTV chủ động cung ứng đầy đủ kịp thời các loại thuốc BVTV, có trách nhiệm hướng dẫn nông dân kỹ thuật sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả.
2. Các xã, thị trấn: UBND các xã, thị trấn căn cứ vào thực tế sản xuất của địa phương mà xây dựng triển khai phương án BVTV vụ mùa, vụ đông năm 2009 đến các khu hành chính, các hộ nông dân.
- Chỉ đạo tổ khuyến nông, các HTX và nông dân thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, điều tra nắm chắc diễn biến của các đối tượng sâu bệnh, chủ động đề xuất biện pháp tổ chức chỉ đạo phòng trừ kịp thời (đúng thời điểm) đạt kết quả.
- Tổ chức các Hội nghị tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật thâm canh lúa cải tiến(SRI), cách điều tra, phát hiện, nhận biết sâu bệnh và biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh tổng hợp(IPM) cho nông dân.
- Chỉ đạo thực hiện tốt việc ứng dụng mô hình tham canh lúa cải tiến(SRI).
- Huy động mọi lực lượng, các đoàn thể quần chúng cùng ra quân trong các chiến dịch phòng trừ sâu bệnh, diệt chuột đạt kết quả.
- Tăng cường quản lý sát sao việc kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn theo đúng qui định của pháp luật
UBND huyện đề nghị các ban, ngành, đoàn thể phối hợp chỉ đạo cán bộ, hội viên, đoàn viên tham gia tích cực phòng trừ sâu bệnh trong các cao điểm sâu bệnh.
UBND huyện giao: Trạm BVTV chủ trì phối hợp chặt chẽ với Phòng Nông nghiệp&PTNT, Trạm Khuyến nông, các cơ quan liên quan, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện tốt phương án bảo vệ thực vật vụ mùa, vụ đông năm 2009, chủ động tham mưu đề xuất các biện pháp tổ chức chỉ đạo phòng trừ và phối hợp chặt chẽ chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh trong các cao điểm. Đặc biệt khi sâu bệnh có nguy cơ bùng phát thành dịch trên diện rộng. Góp phần bảo vệ và giữ vững năng suất, sản lượng cây trồng./.
Nơi nhận:
- TTHU, HĐND, UBND;
- Chi cục BVTV Phú Thọ;
- CQLQ;
- Các xã, TT;
- Lưu VT.
|
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Vũ Văn Nhất
Đã ký
|