CHI CỤC BVTV PHÚ THỌ
TRẠM BVTV TÂN SƠN
Số: 02/PA- BVTV
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Tân Sơn, ngày 12 tháng 12 năm 2014
|
PHƯƠNG ÁN
BẢO VỆ THỰC VẬT VỤ CHIÊM XUÂN 2014 - 2015
Để chủ động phòng trừ dịch hại bảo vệ cho các loại cây trồng trong vụ chiêm xuân 2014- 2015 trên địa bàn huyện Tân Sơn. Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tân Sơn xây dựng phương án bảo vệ thực vật vụ chiêm xuân 2014- 2015 với các nội dung cụ thể như sau:
I. MỤC TIÊU CÔNG TÁC BẢO VỆ THỰC VẬT
- Chủ động phòng trừ các loại dịch hại, đảm bảo an toàn cho 1.915 ha lúa, 600 ha ngô, 3.006,8 ha cây chè và 1.800 ha diện tích rừng trồng. Hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra dưới mức an toàn theo quy định, góp phần thực hiện chương trình an ninh lương thực của tỉnh và đề án phát triển cây lương thực của huyện.
- Tăng cường công tác điều tra, dự tính dự báo phát hiện kịp thời chính xác quy mô và mức độ gây hại của các đối tượng sâu bệnh, kịp thời chỉ đạo phòng trừ các đối tượng dịch hại đạt hiệu quả cao, không để dịch hại bùng phát trên diện rộng, góp phần ổn định và tăng năng suất cây trồng.
- Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về bảo vệ thực vật (BVTV) và kiểm dịch thực vật (KDTV). Hạn chế tình trạng kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV sai quy định, phát hiện và ngăn chặn kịp thời các đối tượng KDTV xâm nhập, lây lan gây hại cây trồng và nông sản trong kho.
- Triển khai đạt hiệu quả cao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới áp dụng vào thực tế sản xuất, tăng cường công tác tập huấn kỹ thuật cho cán bộ khuyến nông cơ sở và nông dân, để nâng cao trình độ dân trí kỹ thuật cho nông dân, thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững an toàn cho con người và môi trường.
- Tham mưu, đề xuất ý kiến giúp cho UBND huyện, ban chỉ đạo sản xuất nông lâm nghiệp huyện trong công tác chỉ đạo và phòng trừ khi có dịch hại xảy ra.
- Phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các đoàn thể trong huyện thực hiện tốt các chương trình, đề án phát triển kinh tế của huyện.
II. ĐẶC ĐIỂM SẢN XUẤT VỤ CHIÊM XUÂN 2014 - 2015
1. Thời tiết
- Nhiệt độ: Nền nhiệt độ mùa đông xuân năm 2014 - 2015 phổ biến ở mức xấp xỉ trên trung bình nhiều năm (TBNN); Tháng đầu mùa (Tháng11) khả năng ở mức trên TBNN; 3 tháng chính đông (T12/2014 – T2/2015) ở mức xấp xỉ TBNN; Các tháng cuối mùa (T3,4/2015) khả năng ở mức xấp xỉ trên so với TBNN. Nhiệt độ thấp nhất mùa đông xuân 2014 - 2015 khả năng xuống đến 6 - 8°C. Rét đậm, rét hại khả năng xảy ra sớm hơn so với bình thường, khoảng từ 3- 4 đợt, tập trung chủ yếu từ đầu tháng 12/2014, tháng 1 và nửa đầu tháng 2/2015. Phần lớn các đợt rét đậm, rét hại kéo dài từ 3 đến 5 ngày, cần đề phòng có đợt kéo dài hơn.
- Mưa: Tổng lượng mưa toàn mùa phổ biến ở mức dưới TBNN (TBNN: Phú Hộ 1227mm, Việt Trì: 1160mm); Các tháng đầu mùa (T11/2014 - T1/2015) có khả năng ở mức dưới TBNN, các tháng cuối mùa (T2 - 4/2015) có khả năng ở mức xấp xỉ TBNN.
2. Cây trồng
a. Cây lúa: Diện tích kế hoạch 1.915 ha, bố trí cơ cấu giống thời vụ như sau:
- Trà xuân trung: Chiếm 8 - 10% diện tích:
Bố trí từ 140 ha chân ruộng vàn thấp, tập trung ở các xã Thu Ngạc, Mỹ Thuận, Văn Luông, Minh Đài, Tam Thanh, Long Cốc, Xuân Đài, Kim Thượng.
Gieo mạ từ 25/12/2014 - 5/01/2015 gồm các giống chủ yếu sau: Nhị ưu 838, Thục hưng 6, Nhị ưu số 7, J02, ĐS1. Gieo mạ dày xúc che phủ ni lon, cấy mạ khi có 3 - 3,5 lá.
- Trà xuân muộn: Chiếm (90 - 92%) diện tích còn lại, tương đương từ 1.720-1.760 ha.
+ Gieo mạ từ 25/1- 10/2/2015, gieo mạ dày xúc, che phủ ni lon, cấy mạ khi đạt 2 - 2,5 lá.
+ Gieo thẳng ở những chân ruộng chủ động tưới tiêu nước từ ngày 5 - 15/2/2015.
+ Sử dụng các giống lúa: Nhị ưu 838, Thiên ưu 8, CT16, Thục hưng 6, Nưu số7, TH3- 5, GS 9, Việt lai 20, SQ2, Syn 6, TBR 45, J02, KD 18, KD đột biến, Nếp 97.
b. Cây ngô: Diện tích kế hoạch 600 ha các giống chủ yếu: LVN 10, C 919, NK 4300... gieo trồng từ 05 - 20/2/2014 đối với đất soi bãi, ruộng 1 vụ mùa; gieo trồng từ ngày 20/2/2014 và kết thúc trong tháng 3 đối với đất đồi, ruộng hạn chuyển trồng màu.
c. Các cây rau màu ngắn ngày khác: Theo hướng dẫn cơ cấu giống và thời vụ của Sở Nông nghiệp và PTNT.
3. Nguồn sâu bệnh: Tập trung ở một số đối tượng chính: Ốc bươu vàng gây hại ở các vùng trũng, diện tích lúa gieo sạ. Bệnh đạo ôn, bệnh sinh lý, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, rầy các loại. Chuột gây hại cục bộ ở các vùng ven đồi rừng, gần nghĩa địa ở hầu hết các xã.
III. DỰ KIẾN TÌNH HÌNH SÂU BỆNH:
1. Trên mạ, lúa: Vụ chiêm xuân 2014- 2015, dự kiến sâu bệnh gây hại trên diện rộng mức hại từ trung bình đến hại nặng, cục bộ tập trung một số đối tượng sau: Bệnh đạo ôn, bệnh sinh lý, ốc bươu vàng, rầy các loại, chuột, sâu đục thân, cuốn lá nhỏ,...
a. Trên mạ: Các đối tượng gây hại gồm có: Bệnh sinh lý, rầy các loại gây hại nhẹ. Chuột gây hại cục bộ.
b. Trên lúa:
- Bệnh sinh lý: Gây hại đầu vụ trong điều kiện rét đậm rét hại ở mức độ nhẹ - trung bình, cục bộ hại nặng ở chân vàn cao, chân trũng.
- Ốc bươu vàng: Gây hại trên các chân ruộng trũng giai đoạn lúa mới cấy - đẻ nhánh, mức độ hại nhẹ - trung bình, cục bộ hại nặng.
- Bệnh đạo ôn: Bệnh phát triển và gây hại trong điều kiện thời tiết âm u, sương mù và mưa phùn kéo dài nhiều ngày. Hại nặng trên các giống: BC 15, KD 18, Nếp 97, SQ2, J02, lúa lai Trung Quốc,...
+ Bệnh đạo ôn lá: Phát sinh đầu tháng 3 đến giữa tháng 4 giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái, mức độ hại nhẹ - trung bình, cục bộ có thể gây cháy ổ trên các giống nhiễm.
+ Bệnh đạo ôn cổ bông: Gây hại từ giữa tháng 4 đến giữa tháng 5, mức độ gây hại nhẹ - trung bình, cần đặc biệt chú ý trên các ruộng đã bị đạo ôn lá gây hại.
Để hạn chế bệnh đạo ôn cần chăm sóc cây khỏe, cấy thưa, bón cân đối hợp lý giữa (N - P - K), bón đúng giai đoạn sinh trưởng của cây trồng. Khi phát hiện bệnh phải giữ đủ nước trong ruộng, tuyệt đối không được bón thêm đạm hoặc phun các chất kích thích sinh trưởng, sử dụng thuốc đặc hiệu để phòng trừ triệt để các ổ bệnh nhằm hạn chế sự lây lan.
- Chuột: Gây hại trong suốt quá trình sinh trưởng của cây trồng, mức độ hại nhẹ - trung bình, cục bộ hại nặng trên các ruộng ven đồi, ven gò, ruộng gần khu nghĩa địa, ruộng lúa thơm,…
- Rầy các loại: Phát triển và gây hại chủ yếu vào giai đoạn lúa cuối đẻ nhánh - làm đòng - trỗ - chắc xanh, mức độ hại trung bình - nặng, cục bộ có thể gây cháy ổ. Các lứa rầy chính trong vụ:
+ Lứa 1: Rầy cám rộ trong tháng 3 giai đoạn lúa đẻ nhánh, lứa này mật độ thấp và tích lũy mật độ cho các lứa tiếp theo.
+ Lứa 2: Rầy cám rộ trong tháng 4 gây hại trên lúa giai đoạn cuối đẻ nhánh - làm đòng - trỗ bông, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng. Lứa này cần phòng trừ ở các ruộng có mật độ rầy cám trên 1.500 con/ m2.
+ Lứa 3: Rầy cám ra rộ trong tháng 5 giai đoạn lúa chắc xanh - đỏ đuôi, đây là lứa rầy chính trong vụ mức độ hại từ trung bình - nặng, cục bộ rất nặng có khả năng gây cháy trên các giống nhiễm cần phát hiện sớm, phòng trừ triệt để ở các ruộng có mật độ trên 1.500 con/m2 bằng các thuốc đặc hiệu.
- Sâu cuốn lá nhỏ: Có 3 lứa chính trong vụ:
+ Lứa 1: Trưởng thành rộ trong tháng 3, sâu non gây hại nhẹ rải rác.
+ Lứa 2: Trưởng thành ra rộ đầu - giữa tháng 4, sâu non gây hại giai đoạn lúa đứng cái - làm đòng, mức độ hại nhẹ - trung bình, lứa này chỉ cần phòng trừ trên các diện tích có mật độ sâu trên 20 con/m2.
+ Lứa 3: Trưởng thành ra rộ vào đầu tháng 5, sâu non gây hại trên lá đòng giai đoạn lúa trỗ bông phơi màu, mức độ hại trung bình, cần theo dõi chặt chẽ để phòng trừ kịp thời.
- Bệnh khô vằn: Tập trung hại trong tháng 4 - 5 mức độ hại nhẹ đến trung bình cục bộ ổ nặng.
- Sâu đục thân: Trong vụ có 2 lứa hại chính, trong đó cần chú ý lứa 2 bướm ra rộ từ giữa tháng 4 đến đầu tháng 5, sâu non gây bông bạc, mức độ hại nhẹ - trung bình.
- Bọ xít dài: Gây hại giai đoạn lúa trỗ bông - ngậm sữa, mức độ hại nhẹ - trung bình, cục bộ hại nặng trên các ruộng ven rừng, các trà lúa trỗ sớm. Cần phát hiện và phòng trừ các ổ bọ xít non mới nở.
- Ngoài ra cần chú ý: Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh đen lép hạt cuối vụ.
* Về cao điểm sâu bệnh: Vụ chiêm xuân 2014 - 2015, dự kiến có 2 cao điểm sâu bệnh gây hại.
- Cao điểm 1: Trong tháng 4, tập trung ở một số đối tượng: Bệnh đạo ôn lá, sâu cuốn lá nhỏ, rầy các loại.
- Cao điểm 2: Trong tháng 5, đối tượng gây hại chủ yếu gồm: Rầy các loại, bọ xít dài, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh khô vằn, sâu đục thân, sâu cuốn lá. Tất cả các xã trong huyện cần quan tâm theo dõi phòng trừ kịp thời.
2. Cây trồng khác:
- Ngô đông xuân: Sâu xám, sâu non bọ hung, sâu ăn lá hại giai đoạn cây con. Sâu đục thân, bệnh khô vằn, bệnh đốm lá lớn hại giai đoạn xoáy nõn - trỗ cờ - chín sáp, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng.
- Cây chè: Rầy xanh, bọ cánh tơ, bọ xít muỗi, nhện đỏ, bệnh phồng lá chè, bệnh thối búp, bệnh đốm xám, đốm nâu gây hại nhẹ - trung bình, cục bộ hại nặng. Cần quan tâm theo dõi phòng trừ kịp thời.
- Cây lâm nghiệp: Sâu xanh ăn lá bồ đề hại trong trung tuần các tháng từ tháng 4 đến tháng 9, mức độ hại trung bình đến nặng, cục bộ gây trụi lá hoàn toàn làm ảnh hưởng đến chu kỳ sinh trưởng, phát triển và có thể gây chết cây diện rộng. Cần quan tâm theo dõi, phát hiện sớm và chỉ đạo khoanh vùng phòng trừ kịp thời.
IV. BIỆN PHÁP TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN:
1. Kế hoạch triển khai:
- Xây dựng và triển khai phương án BVTV sớm đến cơ sở, Ban chỉ đạo sản xuất nông lâm nghiệp, thành viên tổ công tác giúp việc cho UBND huyện.
- Đánh giá tổng kết rút kinh nghiệm công tác BVTV năm 2014 làm cơ sở cho công tác chỉ đạo năm 2015.
- Củng cố và nâng cao năng lực hoạt động của hệ thống khuyến nông cơ sở.
- Phối hợp tốt với các ban ngành, đoàn thể của huyện trong công tác triển khai các tiến bộ kỹ thuật và chỉ đạo sản xuất nông nghiệp.
- Chủ động đề xuất với UBND huyện, Ban chỉ đạo sản xuất nông nghiệp huyện phương án phòng trừ khi có dịch hại xảy ra, kịp thời dập tắt các ổ dịch bệnh hại nguy hiểm khi mới xuất hiện, không để lây lan trên diện rộng.
2. Công tác chỉ đạo:
- Rà soát củng cố điểm điều tra, dự tính dự báo cho sát với từng vùng sản xuất của huyện, không ngừng nâng cao chất lượng công tác chuyên môn nghiệp vụ.
- Khảo nghiệm, trình diễn, hội thảo, giới thiệu các loại thuốc mới có hiệu lực phòng trừ cao và an toàn. Phối hợp với các công ty thuốc BVTV, các đại lý dự trữ và cung ứng kịp thời các loại vật tư đặc hiệu phục vụ cho cao điểm phòng trừ sâu bệnh.
- Thanh kiểm tra việc chấp hành pháp luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật của các tổ chức, cá nhân trong việc kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV và công tác triển khai chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh trong cao điểm ở cơ sở.
V. ĐỀ NGHỊ: Để thực hiện tốt nội dung của phương án BVTV vụ chiêm xuân 2014 - 2015 góp phần bảo vệ an toàn cho sản xuất, Trạm BVTV huyện Tân Sơn kính đề nghị:
- UBND huyện hỗ trợ kinh phí cho công tác tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ khuyến nông cơ sở, giúp cho việc chỉ đạo đạt hiệu quả cao. Bố trí kinh phí dự phòng phục vụ cho công tác phòng trừ khi có dịch bệnh nguy hiểm xảy ra.
- Ban chỉ đạo sản xuất nông lâm nghiệp huyện và các ban ngành đoàn thể tăng cường cùng phối hợp, tuyên truyền, chỉ đạo nông dân làm tốt công tác BVTV, đặc biệt trong cao điểm phòng trừ sâu bệnh.
- UBND các xã chỉ đạo tổ khuyến nông cơ sở thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, nắm chắc diễn biến quy mô, mức độ gây hại của các đối tượng, và đề ra biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.
- UBND xã hỗ trợ kinh phí cho tổ khuyến nông triển khai có hiệu quả các mô hình trình diễn và tập huấn kỹ thuật cho nông dân./.
Nơi nhận:
- Chi cục BVTV tỉnh (B/c);
- TTHU, HĐND, UBND huyện;
- Lãnh đạo huyện: Bà Thủy (B/c);
- Phòng NN và các phòng ban liên quan;
- BCĐ sản xuất (B/c);
- Lưu: Trạm.
|
TRẠM TRƯỞNG
Đinh Thanh Bình
|