Dự báo tình hình sâu bệnh hại lúa vụ mùa 2009
Phú Thọ - Tháng 7/2009

(Từ ngày 01/01/1754 đến ngày 31/12/9999)

CHI CỤC BVTV PHÚ THỌ

 TRẠM BVTV PHÚ THỌ


Số: 26/TB-BVTV

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc


                          Phú thọ, ngày 10 tháng 7 năm 2009

DỰ BÁO TÌNH HÌNH SÂU BỆNH HẠI LÚA VỤ MÙA 2009

Căn cứ nguồn sâu bệnh cuối vụ chiêm xuân và khả năng di chuyển của chúng sang vụ mùa. Căn cứ dự báo tình hình diễn biến thời tiết vụ mùa của trung tâm khí tượng khu vực bắc bộ. Căn cứ kết quả tổng điều tra sâu bệnh đầu vụ từ ngày 7 – 9/7/2009. Trạm BVTV Phú thọ dự báo tình hình sâu bệnh hại lúa vụ mùa 2009 như sau:

Dự báo chung: Sâu bệnh vụ mùa năm nay có khả nặng gây hại trên diện rộng, ở mức trung bình đến nặng, cục bộ rất nặng. Quy mô, mức độ gây hại có khả năng cao hơn vụ mùa 2008. Cao điểm sâu bệnh gây hại tập trung từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 9. Đối tượng hại chính là: Sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân, rầy các loại, bọ xít, chuột hại, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá, bệnh đen lép hạt…Diễn biến sâu bệnh hại chủ yếu dự báo như sau:

I/ DỰ BÁO TÌNH HÌNH SÂU BỆNH HẠI LÚA VỤ MÙA 2009:

1. Sâu cuốn lá nhỏ: trong vụ có 3 lứa gây hại lúa mùa:

- Lứa 5: bướm nở rộ từ 15 – 20/7 di chuyển và đẻ trứng hại các trà lúa. Sâu non nở rộ từ 21/7 gây hại lúa đẻ nhánh đến đứng cái từ cuối tháng 7 đầu tháng 8. Trên trà sớm mật độ phổ biến 12 – 15 c/m2, cao 30 – 40 c/m2, cục bộ trên 80 c/m2. Trên trà trung mật độ phổ biến 3 – 5c/m2, cao 10 – 15 c/m2, cục bộ trên 40 c/m2. Có thể gây cháy lá trên những ruộng xanh tốt, bón đạm nhiều, bón muộn nếu không phòng trừ kịp thời. Lứa này chỉ phòng trừ trên diện tích có mật độ sâu trên 40 – 50 c/m2, dự kiến diện tích phòng trừ 150 – 200 ha.

- Lứa 6: bướm ra rộ khoảng 12 – 17/8, sâu non nở rộ từ 18/8 trở đi và gây hại trà sớm làm đòng, trỗ bông. Trà trung đứng cái, làm đòng. Quy mô, mức độ hại rất lớn. Mật độ phổ biến 40 – 50 c/m2, cao 80 – 100 c/m2, cục bộ trên 300 c/m2. Lứa này phòng trừ trên diện tích có mật độ sâu từ 20 c/m2 trở lên. Dự kiến diện tích phòng trừ là 600 – 750 ha.

- Lứa 7: bướm ra rộ xung quanh 10/9 sâu non nở rộ khoảng giữa tháng 9 và gây hại trên trà lúa mùa trung cấy muộn và trà muộn cấy quài làm đòng trỗ bông sau 15/9. Mức độ hại nhẹ - trung bình, cục bộ nặng trên ruộng xanh tốt bón đạm muộn.

2. Sâu đục thân bướm 2 chấm: Trong vụ có 2 lứa gây hại mạnh.

- Lứa 4: bướm nở đầu tháng 7 (khoảng 7 – 12/7), sâu non gây dảnh héo trên các trà lúa trong tháng 7 mức độ hại nhẹ.

- Lứa 5: bướm ra rộ khoảng 10 – 20/8. Trên trà sớm, sâu non gây bông bạc ở mức trung bình - nặng. Tỷ lệ dảnh hại phổ biến 5 – 7%, cao 15 – 18%, cục bộ trên 30%. Trên trà trung sâu tiếp tục gây dảnh héo ở mức nhẹ - trung bình. Diện tích cần phòng trừ 250 – 300 ha.

- Lứa 6: bướm ra rộ khoảng từ giữa tháng 9 trở đi. Sâu non gây bông bạc trên trà trung cấy muộn và trà muộn cấy quài, có giai đoạn đòng trỗ sau 15/9.

Mức độ hại trung bình - nặng, cục bộ rất nặng. Dự kiến diện tích cần phòng trừ 50 – 70 ha.

3. Rầy các loại (Rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy xám) trong vụ có 3 lứa phát sinh.

 Lứa 5 nở rộ đầu tháng 7, lứa 6 đầu tháng 8, lứa 7 đầu đến giữa tháng 9. Trong đó lứa 5, 6 gây hại nhẹ trên các trà lúa đang đẻ nhánh đến đứng cái – làm đòng. Lứa 7 gây hại khoảng giữa tháng 9 đến cuối tháng, trà sớm từ chắc xanh – chín và trà trung trỗ bông - chắc xanh, mức độ hại nhẹ - trung bình, cục bộ ruộng nặng gây cháy chòm cháy ổ.

4. Bệnh khô vằn:

Bệnh phát sinh cuối tháng 7, phát triển lây lan gây hại mạnh từ đầu tháng 8 đến giữa tháng 9. Quy mô gây hại rộng trên tất cả các trà và giống lúa. Mức độ hại trung bình, cục bộ nặng đến rất nặng trên những ruộng thâm canh cao, bón đạm nhiều, bón muộn mất cân đối, ruộng cấy dày, dộc chua, ruộng bị hạn. Dự kiến diện tích cần phòng trừ 350 – 400 ha.

5. Một số đối tượng khác:

- Bọ xít dài: gây hại mạnh trên ruộng lúa trỗ sớm (giữa tháng 8) và những ruộng trỗ muộn sau 15/9. Đặc biệt chú ý chân ruộng ven đồi rừng, lùm cây, ruộng trỗ xen kẽ các ruộng trỗ sớm, trỗ muộn, các giống nếp, hương thơm số 1, thiên hương, nghi hương.

- Bệnh sinh lý: phát sinh gây hại từ lúa mới cấy đến giai đoạn làm đòng - trỗ bông. Chú ý những ruộng dộc chua, ruộng bón phân chuồng tươi, ruộng làm đất dối, cấy ép, ruộng đất cát pha, cấy sâu tay.

- Chuột hại: Là đối tượng có su hướng gia tăng cả về quy mô và mức độ hại so với các năm gần đây. Chuột gây hại suốt vụ, song chú ý giai đoạn lúa đẻ nhánh và làm đòng chuột cắn phá mạnh hơn.

- Bệnh đen lép hạt: phát sinh từ khi lúa làm đòng và gây hại giai đoạn lúa trỗ đến chín sữa. Chú ý điều kiện thời tiết thất thường trùng vào giai đoạn lúa đòng già đến trỗ, phơi màu bệnh phát sinh gây hại mạnh hơn.

- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: phát sinh gây hại mạnh giai đoạn lúa đứng cái đến trỗ chín. Chú ý các giống lúa lai, ruộng lúa thâm canh cao, bón nhiều đạm.

- Ngoài ra: rầy trắng hại lá lúa giai đoạn lúa cuối đẻ nhánh đến trỗ, ốc bươu vàng giai đoạn gieo cấy và đẻ nhánh. Cần đặc biệt cảnh giác với rầy nâu nhỏ gây hại bông lúa giai đoạn trỗ chắc xanh, đây là đối tượng mới nguy hiểm đã xuất hiện ở 1 số tỉnh đồng bằng trong vụ chiêm xuân.

II/ ĐỀ NGHỊ BIỆN PHÁP TỔ CHỨC CHỈ ĐẠO, PHÒNG TRỪ.

1. Biện pháp tổ chức chỉ đạo:

- Thực hiện tốt công tác điều tra DTDB sâu bệnh từ thị đến cơ sở. Giám sát chặt chẽ tình hình sâu bệnh đồng ruộng, tham mưu kịp thời cho chính quyền các cấp tổ chức phát động chiến dịch phòng trừ sâu bệnh bảo vệ an toàn lúa vụ mùa.

- Tổ khuyến nông các xã, các HTX nông nghiệp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, huớng dẫn nông dân áp dụng biện pháp phòng trừ sâu bệnh tổng hợp IPM và phổ biến rộng rãi tình hình sâu bệnh và biện pháp phòng trừ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tổ chức một đợt tập huấn kỹ thuật cho khuyến nông và nông dân trong tháng 7

- Chính quyền các địa phương phối hợp với các ngành chức năng của thị quản lý chặt chẽ việc kinh doanh, buôn bán thuốc BVTV trên địa bàn. Sử lý nghiêm các trường hợp vi phạm nhằm ổn định thị trường phục vụ tốt cho sản xuất.

2. Biện pháp kỹ thuật:

- Sâu cuốn lá nhỏ: trên ruộng có mật độ sâu non từ 50 c/m2 trở lên đối với lúa giai đoạn đẻ nhánh, trên 20 c/m2 đối với lúa giai đoạn đứng cái - trỗ bông sử dụng các loại thuốc sau để phòng trừ: Pha hỗn hợp thuốc: Regent, Regell, Finico, Aremec với 1 trong các loại thuốc như Cyperkill, Sherpa, Shertox, Ofatox, Decis, Cymerin, Fastac, Bestox.

- Sâu đục thân bướm 2 chấm: trên ruộng có mật độ bướm trên 0,3 c/m2 hoặc mật độ ổ trứng trên 0,3 ổ/m2 sử dụng các loại thuốc như: Padan, Patox, Gà nòi, Vicarp, Regent, Regell, Finico.

- Bệnh khô vằn: ruộng có tỷ lệ dảnh hại trên 20% dùng thuốc: Lervil, Tilvil, Valydacin, Anvil, Vida phun kỹ phần thân gốc lúa

- Bọ xít dài: ruộng có mật độ 6 c/m2 trở lên sử dụng các loại thuốc Fastac, Bectox, địch bách trùng phun vào buổi chiều mát.

- Ốc bươu vàng: bắt ốc, thu gom ốc và ổ trứng để tiêu diệt. Sử dụng thuốc Clodan Super phun khi mật độ ốc trên 3 c/m2. Chú ý khi phun ruộng phải có nước 3 – 5 cm.

- Bệnh sinh lý: để mực nước nông bón phân chuồng hoai mục, bón vôi kết hợp làm cỏ sục bùn. Ruộng bị nặng kết hợp phun thuốc Antracol và phân bón lá.

- Rầy các loại: Ruộng có mật độ rầy cám (tuổi 1, 2) trên 1500 c/m2 (30 con/khóm) sử dụng các loại thuốc Actara, Sectox, Midan, Superista. Giai đoạn lúa từ chắc xanh trở đi phải dùng thuốc Bassa, Trebon… rẽ băng rộng 0,8 – 1m phun kỹ phần gốc lúa.

- Ngoài ra: phun phòng trừ các ổ  bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, bệnh đen lép hạt bằng các loại thuốc đặc hiệu. Tích cực diệt chuột bằng biện pháp tổng hợp.

* Chú ý: Khi sử dụng thuốc phải đọc kỹ hướng dẫn trên bao bì.

Nơi nhận:

- LĐThị uỷ, UBND thị (b/c);

- Chi cục BVTV Phú thọ (b/c);

- Các cơ quan đoàn thể liên quan;

- UBND các xã, phường;

- Các HTX nông nghiệp;

- Lưu.

TRẠM BẢO VỆ THỰC VẬT PHÚ THỌ

TRẠM TRƯỞNG

Dương Thư

Các thông báo sâu bệnh khác
Loading...