Thông báo tình hình dịch hại 7 ngày trên lúa (Từ 21-27/8/2019 ), dự báo 7 ngày tới và BPPT
Tam Nông - Tháng 8/2019

(Từ ngày 21/08/2019 đến ngày 27/08/2019)

CHI CỤC TT VÀ BVTV TỈNH PHÚ THỌ

TRẠM TT & BVTV TAM NÔNG


Số: 54 /TB-TT&BVTV

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Tam Nông, ngày 27 tháng 8 năm 2019

THÔNG BÁO

Tình hình sinh vật gây hại (SVGH) 07 ngày trên lúa

 (Từ ngày 21/8 đến 27/8/2019, dự báo trong 7 ngày tới và biện pháp phòng trừ)


Hiện nay, trà lúa mùa sớm đang trong giai đoạn chắc xanh - đỏ đuôi, trà trung giai đoạn trỗ bông - phơi màu, đây là giai đoạn cây lúa rất mẫn cảm với các đối tượng sâu bệnh hại. Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tam Nông đã tiến hành điều tra sâu bệnh ngày 26-27/8/2019, thông báo kết quả và đề xuất các biện pháp phòng trừ như sau:

I/ TÌNH HÌNH SVGH VÀ DỰ BÁO:

1. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn:

* Hiện tại: Bệnh xuất hiện và gây hại nhẹ trên các trà lúa tại xã Hồng Đà, Thượng Nông, Hương Nộn, Vực Trường, Tứ Mỹ, ... Tỷ lệ bệnh phổ biến 4,0 - 8,0%, cao 12 %. Diện tích nhiễm 20,4 ha, chủ yếu nhiễm nhẹ; Diện tích đã phòng trừ  20,4 ha.

* Dự báo: Bệnh sẽ tiếp tục phát sinh, lây lan nhanh sau các cơn mưa lớn kèm theo dông, lốc; Bệnh có thể gây hại mạnh trong giai đoạn lúa trỗ bông - ngậm sữa nhất là trên những diện tích đã xuất hiện nguồn bệnh và các giống mẫn cảm (Thiên ưu 8, Hương Thơm, TH3-4, TBR 225, ...). Các xã cần lưu ý: Hồng Đà, Thượng Nông, Hương Nộn, Vực Trường, Tứ Mỹ, ...

2. Bệnh khô vằn:

* Hiện tại: Tỷ lệ bệnh phổ biến 8 - 12%, cao 24 - 32%. Diện tích nhiễm 221,2 ha (Nhiễm nhẹ 188,5 ha, trung bình 32,7 ha) tại các xã Hồng Đà, Thượng Nông, Hương Nộn, Tứ Mỹ, Thanh Uyên, … Diện tích đã phòng trừ 32,7 ha.

* Dự báo: Trong những ngày tới, thời tiết nắng nóng, có mưa xen kẽ, ẩm độ không khí cao, bệnh sẽ tiếp tục phát sinh, phát triển, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những ruộng lúa rậm rạp, bón nhiều đạm và bón phân không cân đối. Các xã cần lưu ý: Hồng Đà, Thượng Nông, Hương Nộn, Tứ Mỹ, Thanh Uyên, Hương Nha, Hiền Quan, Tam Cường, …

3. Rầy các loại:

* Hiện tại: Rầy xuất hiện với mật độ rầy phổ biến là 80-120 con/m2, cao 160-240 con/m2. Mật độ ổ trứng TB 8 - 16 ổ/m2, cao 24 - 40 ổ/m2, cục bộ 80 ổ/m2. Các xã cần lưu ý: Hương Nộn, Hồng Đà, Cổ Tiết, Tứ Mỹ, Thượng Nông, Tam Cường, Hương Nha, Hiền Quan, ...

* Dự báo: Rầy cám tiếp tục nở rộ, gia tăng mật độ và gây hại trên các trà lúa giai đoạn ngậm sữa - chắc xanh. Mức độ gây hại nhẹ. Cần chú ý theo dõi và phòng trừ trên những diện tích có mật độ rầy vượt ngưỡng. Các xã cần lưu ý: Hương Nộn, Hồng Đà, Cổ Tiết, Thượng Nông, Tam Cường, Tứ Mỹ, Hương Nha, Hiền Quan, ...

4. Ngoài ra: Sâu đục thân, bọ xít dài, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh vàng lá, bệnh lem lép hạt gây hại rải rác. Chuột gây hại cục bộ.

II/ BIỆN PHÁP CHỈ ĐẠO PHÒNG TRỪ:

1. Biện pháp chỉ đạo:

- Đề nghị UBND các xã, thị trấn:

+ Tiếp tục thực hiện tốt văn bản số 1125/UBND-NN, ngày 11/7/2019 của UBND huyện Tam Nông “V/V tập trung chỉ đạo chăm sóc và phòng trừ sâu, bệnh và chuột hại lúa vụ mùa năm 2019” và văn bản số 1188/UBND-NN, ngày 22/7/2019 của UBND huyện Tam Nông “V/V tăng cường công tác chỉ đạo phòng trừ sâu, bệnh và chuột hại bảo vệ lúa mùa năm 2019”.

+ Chỉ đạo cán bộ khuyến nông cơ sở, HTX, huy động bà con nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng trong thời gian cao điểm để phát hiện kịp thời, phòng trừ triệt để có hiệu quả các ổ sâu bệnh theo văn bản chỉ đạo và hướng dẫn của Trạm trồng trọt và BVTV huyện.

2. Kỹ thuật phòng trừ: Áp dụng các biện pháp IPM, coi trọng các biện pháp canh tác, thủ công; phân loại đồng ruộng, chỉ phun thuốc phòng trừ trên diện tích có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh vượt ngưỡng để bảo vệ thiên địch và môi trường.

- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Cần kiểm tra đồng ruộng thường xuyên, nhất là sau mưa dông, lốc. Khi ruộng chớm bị bệnh, cần dừng ngay việc bón phân hóa học, nhất là đạm và thuốc kích thích sinh trưởng, phun phòng trừ ngay bằng các thuốc trừ bệnh được đăng ký trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam (Ví dụ: Starwiner 20WP, Starner 20WP, Kamsu 2SL, Xanthomix 20WP, Sasa 25WP, ...).

- Bệnh khô vằn: Khi ruộng lúa nhiễm bệnh có tỷ lệ dảnh hại trên 20%, tiến hành phun trừ bằng các thuốc, ví dụ: Anvil 5SC, Chevin 5SC, Lervil 50SC, Valivithaco 5SL, Valicare 5WP, Thumb 0.5SL, Stop 5SL (10SL), Tilt Super 300EC, Galirex 55SC, ...

- Rầy các loại: Khi ruộng có mật độ rầy > 1.500 con/m2 (bình quân có 30 - 40 con/ khóm), sử dụng một trong các loại thuốc ví dụ như: Victory 585 EC, Bassa 50EC, Nibas 50 ND,... Đối với lúa ở giai đoạn ngậm sữa đến chắc xanh, khi phun phải rẽ băng rộng từ 0,6 - 0,8 mét; phun kỹ vào gốc lúa.

- Sâu đục thân: Khi phát hiện ruộng lúa có mật độ trưởng thành cao trên 0,3 con/m2 hoặc ổ trứng cao trên 0,3 ổ/m2 cần tiến hành phòng trừ bằng các loại thuốc trừ sâu đục thân đã được đăng ký trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng ở Việt Nam (Ví dụ: Virtako 40WG, Victory 585EC, Nicata 95SP, Rigell 800 WG, F16 600EC, ...) pha và phun theo hướng dẫn trên bao bì. Có thể phun phòng bông bạc trên lúa trà trung vào thời điểm trước và sau khi lúa trỗ 5-7 ngày (từ khi nứt ống lam đến khi lúa trỗ thoát hoàn toàn).

- Các đối tượng khác:  Cần chú ý theo dõi chặt chẽ và thực hiện phòng trừ theo thông báo, hướng dẫn của Trạm Trồng trọt và BVTV huyện.

Lưu ý: Khi sử dụng thuốc BVTV xong phải thu gom vỏ bao bì thuốc để đúng nơi quy định của địa phương./.

Nơi nhận:

- Chi cục TT&BVTV (b/c);

- TT: HU - HĐND - UBND huyện (b/c);

- Phòng NN&PTNT huyện;

- Các ban ngành liên quan;

- UBND các xã, thị trấn;

- Lưu trạm.

TRẠM TRƯỞNG

(Đã ký)

Phạm Hùng

Các thông báo sâu bệnh khác
Loading...