I. Thông báo tình hình sâu bệnh kỳ 06/05 và dự báo:
Thời gian qua do điều kiện thời tiết nắng ấm, cây lúa sinh trưởng phát triển thuận lợi. Hiện tại trên cả trà xuân sớm và xuân muộn cây lúa đang trong giai đoạn đứng cái – làm đòng, là giai đoạn mẫn cảm nhất với các đối tượng sâu bệnh hại.
Theo kết quả điều tra ngày 03-04/05 của Trạm BVTV huyện, hiện tại trên đồng ruộng các đối tượng sâu bệnh đang gia tăng gây hại mạnh, cần lưu ý một số đối tượng sau:
1. Bệnh khô vằn: Hiện tại bệnh đang phát triển lây lan và gây hại trên diện rộng, đặc biệt trên trà lúa xuân muộn. Tỷ lệ bệnh hại trung bình 3,2-14%, cao 20-32%, cục bộ 40-45%.Tổng diện tích nhiễm bệnh khô vằn là 761,2ha, trong đó diện tích nhiễm nhẹ 489,4ha, nhiễm trung bình 197,6ha, nhiễm nặng 77,2ha. Diện tích đã được phòng trừ là 312,9ha.
* Dự báo: Trong thời gian tới bệnh tiếp tục phát triển, lây lan gây hại diện rộng trên các trà lúa, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên những chân ruộng rậm rạp, bón nhiều đạm, ruộng bị hại, bệnh có thể phát triển gây hại bộ lá đòng làm ảnh hưởng đến năng suất.
2. Rầy nâu, rầy lưng trắng: Hiện tại rầy gây hại nhẹ trên một số chân ruộng sâu trũng. Mật độ rầy trung bình 16-40 con/m2, cao 96-120 con/m2. Mật độ trứng trung bình 30-60 quả/m2, cao 120-240 quả/m2, cục bộ 280-370 quả/m2.
* Dự báo: Rầy tiếp tục phát triển và tích lũy mật độ. Rầy lứa 3 sẽ gây hại mạnh ở cuối tháng 5 giai đoạn lúa ngậm sữa, chắc xanh; mức độ hại nhẹ - trung bình, cục bộ ổ nặng. Các xã cần chú ý: Tiên Kiên, Thị trấn Hùng Sơn, Xuân Lũng, …
3. Chuột: Hiện tại chuột đang gia tăng gây hại mạnh trên trên trà lúa xuân muộn, mức độ gây hại nhẹ - trung bình, tỷ lệ hại trung bình 3-10%, cao 16,5%. Tổng diện tích bị hại là 350,4ha; trong đó nhiễm nhẹ là 259,3ha; nhiễm trung bình là 91,1ha.
* Dự báo: Trong thời gian tới chuột tiếp tục gia tăng gây hại trên diện rộng, mức độ gây hại nhẹ - trung bình, cục bộ hại nặng.
4. Bệnh đạo ôn: Hiện tại vết bệnh xuất hiện rải rác trên diện rộng. Bệnh gây hại cục bộ trên giống nếp (xã Cao Xá, Hợp Hải), tỷ lệ bệnh hại trung bình 5-10%, cao 15-24,5%, cục bộ 35-40%, cấp bệnh chủ yếu cấp 1,3,5. Tổng diện tích nhiễm bệnh là 6ha, trong đó diện tích nhiễm nhẹ là 3,6ha, nhiễm trung bình là 1,8ha; nhiễm nặng là 0,6ha. Diện tích đã được phòng trừ là 6ha.
* Dự báo: Đề phòng thời tiết ấm, trời âm u, ẩm độ không khí cao tạo điệu kiện cho bệnh đạo ôn cổ bông phát triển và gây hại đặc biệt trên những chân ruộng lúa nếp đã bị đạo ôn lá gây hại; mức độ gây hại nhẹ, cục bộ trung bình. Các xã cần lưu ý: Cao xá, Hợp hải…..
Ngoài ra: Một số đối tượng sâu bệnh khác cần chú ý như:
- Sâu đục thân cú mèo gây hại cục bộ ổ nhẹ, hiện tại sâu phát dục tuổi 5, nhộng. Do vậy một số diện tích lúa trỗ muộn xung quanh 25/5 cần lưu ý phòng trừ sâu đục thân có thể gây bông bạc mức độ nhẹ;
- Bọ xít dài đã di chuyển ra ruộng với mật độ thấp, đẻ trứng tích lũy mật độ và gây hại nhẹ vào giai đoạn lúa ngậm sữa.
- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Đề phòng thời tiết mưa bão, bệnh phát triển gây hại cục bộ nhẹ trên một số diện tích lúa lai.
II. Biện pháp chỉ đạo phòng trừ:
Trong tháng 5 đến đầu tháng 6 là giai đoạn rất quan trọng, nếu không chú ý theo dõi và phòng trừ triệt để các đối tượng sâu bệnh gây hại thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới năng suất lúa. Vì vậy Trạm bảo vệ thực vật huyện đề nghị:
UBND các xã, thị trấn chỉ đạo tổ khuyến nông cơ sở và bà con nông dân tích cực kiểm tra thăm đồng, phát hiện sớm và phòng trừ các ổ sâu bệnh hại khi đến ngưỡng phòng trừ, cụ thể:
1. Bệnh khô vằn: Khi đã bị bệnh gây hại cần dừng ngay việc bón phân hóa học và phân qua lá, ruộng có tỷ lệ dảnh hại trên 20%, sử dụng các loại thuốc Lervil 5 SL, Validacin 5 SL, Tilvil 50 SC, Jinggang meisu 3 SL, 5 WP… Phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì. Khi phun cần lưu ý đảm bảo đủ lượng nước thuốc, phun kỹ vào gốc lúa, ruộng bị bệnh hại nặng cần phun kép 2 lần cách nhau 5-7 ngày.
2. Rầy nâu, rầy lưng trắng: Phòng trừ khi mật độ rầy trên 1500 con/m2, (30 con/khóm). Khi cây lúa ở giai đoạn còn non đến chín sữa (bộ lá còn màu xanh) sử dụng các loại thuốc lưu dẫn như Actara 25WG, Pernalty 600WP…. Khi lúa ở giai đoạn chắc xanh trở đi cần sử dụng những loại thuốc tiếp xúc như Bassa 50EC, Trebon 10EC,… mới có hiệu quả trừ rầy, phải rẽ băng từ 0,8 - 1m, phun kỹ vào gốc lúa. Khi mật độ rầy cao có thể hỗn hợp thuốc tiếp xúc và thuốc lưu dẫn để tăng hiệu quả diệt trừ.
3. Chuột: Các xã cần tích cực tổ chức chỉ đạo diệt chuột tập trung bằng nhiều biệp pháp, đặc biệt là biện pháp dùng thuốc Rat-K 2% D trộn với thóc luộc có hiệu quả diệt trừ chuột cao.
4. Bệnh đạo ôn: Khi phát hiện ruộng bị bệnh không được bón các loại phân bón và thuốc kích thích sinh trưởng, cần giữ đủ nước trong ruộng. Trên những ruộng có tỷ lệ lá hại trên 5%, sử dụng thuốc Fu-amy 30WP, Beam 75WP, Fuji-one 40WP, Difusan 40EC… Phun theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì. Ruộng bị hại nặng cần phun kép 2 lần cách nhau 5-7 ngày. Những ruộng bị đạo ôn lá gây hại cần phun thuốc phòng trừ đạo ôn cổ bông bằng các loại thuốc trên, phun trước khi lúa trỗ 7 ngày.
Ngoài ra cần chú ý phòng trừ các ổ sâu bệnh:
- Sâu đục thân: Phun thuốc phòng trừ trước khi lúa trỗ 1 tuần, sử dụng các loại thuốc Regent 800WG, Finico 800WG, Regell 800WG,……
- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: sử dụng các loại thuốc Sasa 20WP, Staner 20WP, Xanthomic 20WP,….. phun theo hướng dẫn kỹ thuật ghi trên bao bì.
- Bọ xít dài: Khi ruộng có mật độ bọ xít trên 6 con/m2, sử dụng các loại thuốc Bestox 5EC, Fastac 5EC, Pertox 5EC,... để phòng trừ. Lưu ý: Nên phun vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát, phun khi bọ xít còn non và phun cuốn chiếu từ ngoài vào trong.
Nơi nhận:
- TTHU, HĐND, UBND huyện (Thay b/c);
- CT, PCT huyện (Thay b/c);
- Chi cục BVTV tỉnh (Thay b/c);
- UBND các xã, thị trấn;
- Phòng NN, KN, ND, PN, Đài TT huyện;
- Lưu.
|
PHÓ TRƯỞNG TRẠM
Đặng Thị Thu Hiền
|