CHI CỤC BẢO VỆ THỰC VẬT PHÚ THỌ
TRẠM BVTV TP VIỆT TRÌ
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
|
Số: 10 /TB - BVTV
|
Việt Trì, ngày 31 tháng 7 năm 2010
|
THÔNG BÁO
Tình hình sâu bệnh kỳ 02/8/2010, dự báo 10 ngày tới
và biện pháp chỉ đạo phòng trừ
I/ Diễn biến tình hình sâu bệnh
*Hiện nay, lúa mùa sớm trong giai đoạn đứng cái - làm đòng; Lúa mùa trung giai đoạn cuối đẻ - đứng cái. Đây là các thời kỳ rất mẫn cảm với sâu bệnh và dễ bùng phát dịch hại. Kết quả điều tra sâu bệnh trên địa bàn thành phố từ ngày 26 - 31/7, nhận định một số đối tượng sâu bệnh đang phát triển rất mạnh, có nguy cơ gây hại nặng trong thời gian tới, bao gồm các đối tượng sâu bệnh chủ yếu sau:
1- Sâu cuốn lá nhỏ:
* Hiện tại: Trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 ra rộ từ ngày 26 - 31 / 7 / 2010. phát sinh phát triển trên toàn bộ diện tích mùa sớm và mùa trung. Mật độ trưởng thành TB 0,5 - 2 c/m2, cao 3 - 5 c/m2, cục bộ 6 - 10 c/m2. Mật độ trứng TB 100 - 140 q/m2, cao 200 - 250 q/m2. Sâu non bắt đầu nở rải rác.
* Dự báo: Trưởng thành sâu cuốn lá nhỏ lứa 5 tiếp tục đẻ trứng trong những ngày tới, sâu non nở rộ từ ngày 4/8 trở đi. Mật độ sâu non TB 40 - 60 c/m2, cao 100 c/m2, cục bộ >200 c/m2. Dự kiến diện tích nhiễm trên toàn thành phố 1220,9 ha ( 100%DT), trong đó nhiễm nặng 600 ha. Diện tích cần phòng trừ 1000 ha.
2- Sâu đục thân 2 chấm:
* Hiện tại: Trưởng thành Sâu đục thân 2 chấm đã ra rộ từ 22 - 30/7, mật độ TB 0,1- 0,3 c/m2, cao 0,5 - 1 c/m2. Mật độ trứng TB 0,1 - 0,3 ổ/m2, cao 0,5 ổ/m2.
* Dự báo: Bướm sâu đục thân 2 chấm tiếp tục di chuyển và đẻ trứng trên lúa mùa sớm. Mật độ ổ trứng còn tăng trong vài ngày tới. Sâu non nở rộ từ ngày 28/7 trở đi. Mức độ gây hại nhẹ - TB, cục bộ nặng. Tỷ lệ dảnh hại TB 2 - 5% dh, cao 10 - 20% dh. Các xã, Phường cần chú ý: Thanh Miếu, Phượng Lâu, Trưng Vương, Thuỵ Vân.
3- Bệnh khô vằn:
* Hiện tại: Bệnh bắt đầu phát sinh và lây lan trên diện rộng, tỷ lệ dảnh hại TB 5 - 7% dh, cao 10 - 15% dh trên những ruộng rậm rạp, thâm canh cao, bón nhiều phân đạm.
* Dự báo: Cây lúa trong giai đoạn đứng cái - làm đòng, thời tiết nắng nóng, mưa nhiều là điều kiện rất thuận lợi cho bệnh khô vằn phát triển, lây lan nhanh. Bệnh có thể gây hại nặng sau đợt bón phân đón hoặc thúc đòng, nhất là trên những ruộng lúa lai, ruộng rậm rạp, cấy khóm to, thâm canh cao...
4- Chuột:
* Hiện tại: Chuột phát sinh và gây hại trên tất cả các trà, mức độ hại nhẹ, cục bộ nặng trên những ruộng làm đòng sớm. Tỷ lệ dảnh hại TB 2 - 3% DH, cao 20% DH.
* Dự báo: Lúa trong giai đoạn đứng cái - làm đòng là nguồn thức ăn thích hợp nhất của chuột. Đây là thời điểm chuột gây hại nặng nhất trong vụ, nếu không diệt trừ chuột kịp thời sẽ ảnh hưởng rất lớn đến năng suất cuối vụ.
Ngoài ra: Bọ xít phát sinh trên diện hẹp, cục bộ ổ 10 - 20 c/m2; Châu chấu phát sinh cục bộ và hại nhẹ; Đề phòng bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn phát sinh sau các trận mưa lớn.
II/ biện pháp chỉ đạo phòng trừ :
1. Biện pháp chỉ đạo:
- Đề nghị UBND xã (phường) kiện toàn BCĐ sản xuất, phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, phân công cán bộ phụ trách tăng cường xuống các khu, đội sản xuất kiểm tra, hướng dẫn nhân dân trong công tác phòng trừ sâu bệnh.
- UBND xã (phường) chỉ đạo cán bộ khuyến nông, HTX thực hiện công tác kiểm tra đồng ruộng trong cao điểm, nắm chắc diễn biến tình hình sâu bệnh trên địa bàn và tổ chức phòng trừ triệt để diện tích nhiễm sâu bệnh đến ngưỡng theo hướng dẫn của ngành BVTV.
- HTX NN, Tổ KN cơ sở chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật BVTV cho nông dân; phối hợp với các đại lý chuẩn bị và cung ứng đầy đủ thuốc đặc hiệu cho cao điểm phòng trừ sâu bệnh.
2. Biện pháp kỹ thuật phòng trừ:
* Phòng trừ sâu cuốn lá: Khi mật độ sâu non phát sinh từ 20 c/m2 trở lên đối với lúa giai đoạn đứng cái - làm đòng; 50 c/m2 trở lên đối với lúa giai đoạn đẻ nhánh. Sử dụng một trong các loại thuốc Regent 800WG, Regall 50EC, Rigell 800WG, 50SC, Finico 800WG, Aremec 36EC, 45EC, Rambo 800WG, Trutat 0,32EC... Lưu ý: Trên những diện tích nhiễm mật độ cao cần phối trộn thêm các loại thuốc tiếp súc, vị độc như thuốc Pertox 5EC, Bestox 5EC, Fastac 5EC...Để tăng hiệu quả phòng trừ. Pha và phun thuốc theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.
Thời điểm phun thuốc tốt nhất từ 5 - 9 / 8 / 2010
Lưu ý: Phòng trừ sâu cuốn lá đợt này theo hướng dẫn sử dụng các loại thuốc trên có tác dụng diệt trừ bọ xít dài, châu chấu và hạn chế một số đối tượng sâu bệnh khác.
* Phòng trừ sâu đục thân 2 chấm: Khi mật độ trưởng thành từ 0,3 c/m2 trở lên hoặc 0,3 ổ trứng/m2 trở lên. Sử dụng thuốc Regent 800WG, Rigell 800WG, 50SC, Finico 800WG, Aremec 36EC, RAMBO 800WG... Trên những diện tích nhiễm mật độ cao cần phối trộn thêm các loại thuốc tiếp súc, vị độc như thuốc Pertox 5EC, Bestox 5EC, Fastac 5EC... phun thuốc theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì. Thời gian phun thuốc sau bướm rộ từ 5 – 7 ngày
Lưu ý: Trưởng thành ĐT2C ra thời gian tương đối dài nên trước và sau khi sử lý thuốc cần thực hiện các biện thủ công như ngắt ổ trứng.
* Phòng trừ chuột: Tổ chức diệt chuột tập trung bằng bả vi sinh phối trộn tại chỗ, bằng phương thức xã viên góp lúa, tập thể hỗ trợ tiền thuốc RatK 2%, trộn thuốc tập trung sau đó chia lại xã viên tự đi rải bả.
* Ngoài ra: Phòng trừ các một số diện tích nhiễm bệnh khô vằn đến ngưỡng và một số ổ dịch hại khác theo hướng dẫn kỹ thuật trên bao bì.
Nơi nhận:
- Chi cục BVTV;
- TTTU,UBND,HĐND TP;
- Phòng Kinh Tế TP;
- Hội ND, PN;
- UBND các xã, phường;
- Lưu trạm
|
TRƯỞNG TRẠM
Phạm Hùng
|