Thong bao khan so 36
Phú Thọ - Tháng 9/2010

(Từ ngày 01/01/1754 đến ngày 31/12/9999)

CHI CỤC BẢO VỆ THỰC VẬT

TRẠM BVTV PHÚ THỌ

Số: 36 /TB - BVTV

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Phú Thọ, ngày  07  tháng  9  năm  2010

THÔNG BÁO KHẨN

VỀ TÌNH HÌNH RẦY, SÂU CUỐN LÁ, BỆNH KHÔ VẰN HẠI LÚA

Tiếp theo thông báo số 35 ngày 31/8, ngày 03 - 04/9 trạm BVTV Phú Thọ kiểm tra sâu bệnh đồng ruộng và trực tiếp làm việc với các cơ sở sản xuất về tình hình sâu bệnh hại và đôn đốc các cơ sở phòng trừ. Tuy nhiên đến nay công tác phòng trừ một số cơ sở triển khai chậm, nhiều diện tích sâu bệnh nặng chưa được phòng trừ kịp thời có nguy cơ làm giảm năng suất lúa.

Kết quả điều tra cho thấy một số đối tượng nguy hiểm đã bùng phát trên diện rộng đặc biệt là rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá, sâu đục thân, khô vằn cụ thể như sau:

I. Tình hình sâu bệnh và kết quả phòng trừ:

1, Rầy nâu, rầy lưng trắng: Đã phát sinh trên hầu hết diện tích lúa gieo cấy. Mật độ rầy trung bình 800 - 1200 con/m2, cao 2000 - 5000 con/m2, cục bộ trên 10000 con/m2, đã lác đác cháy chòm cháy ổ. Tổng diện tích nhiễm: 372 ha (diện tích có mật độ từ 750 con/m2 trở lên), trong đó bị nhiễm nặng là 106 ha, trung bình 116 ha, nhẹ 150 ha. Như vậy diện tích cần phòng trừ là 222 ha, diện tích đã được phòng trừ 47 ha mới đạt 21,2%.

2, Sâu cuốn lá nhỏ: Sâu non đã nở rộ đầu tháng 9 trên trà lúa chưa trỗ mật độ trung bình 20 - 30 con/m2, cao 60 - 80 con/m2, cục bộ trên 100 con/m2. Phát dục chủ yếu tuổi 2, 3. Diện tích cần phòng trừ cơ bản là toàn bộ diện tích lúa chưa trỗ khoảng 120 - 150 ha. Diện tích đã phòng trừ 45 ha mới đạt 30%.   

3, Bệnh khô vằn: Tiếp tục phát sinh mạnh trên các trà lúa, diện tích nhiễm 398 ha, tỷ lệ dảnh bị bệnh phổ biến 18 - 25% cao 40 - 50%, cục bộ trên 70%. Diện tích cần phòng trừ 238,8 ha. Diện tích đã phòng trừ 90,7 mới đạt 38%.

Ngoài ra sâu đục thân, bọ xít dài, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, nhện gié… tiếp tục phát sinh gây hại rải rác.

Nguyên nhân phòng trừ chậm do: Công tác tuyên truyền, kiểm tra, đôn đốc và chỉ đạo phòng trừ ở một số cơ sở chưa quyết liệt, nông dân còn có tư tưởng cho là lúa đã trỗ chủ quan trong công tác phòng trừ sâu bệnh. Một số diện tích lúa đã vào chắc nông dân không phòng trừ do sợ thuốc ảnh hưởng đến sản phẩm và rơm rạ cho chăn nuôi.

II. Biện pháp chỉ đạo phòng trừ:

          Tình hình sâu bệnh đang phát triển nguy hiểm nếu không chỉ đạo phòng trừ kịp thời sẽ có khả năng ảnh hưởng lớn đến năng suất lúa mùa, vì vậy trạm BVTV Phú Thọ đề nghị:

- UBND các xã, phường Trường Thịnh tăng cường công tác kiểm tra và chỉ đạo sâu sát, quyết liệt công tác phòng trừ sâu bệnh ở địa phương.

- HTX, tổ khuyến nông huy động lực lượng đội sản xuất và cộng tác viên khuyến nông tập trung kiểm tra đồng ruộng và đôn đốc nông dân phòng trừ triệt để diện tích sâu bệnh đến ngưỡng theo phương pháp phòng trừ sau:

+ Với rầy nâu, rầy lưng trắng: Những diện tích lúa chín từ 80% cho thu hoạch, thực hiện theo phương châm “Xanh nhà hơn già đồng”. Những diện tích lúa sau một tuần nữa thu hoạch chỉ phun thuốc trên diện tích có mật độ rầy trên 6000 con/m2 và kéo dài thời gian thu hoạch sau 10 ngày kể từ ngày phun thuốc để bảo đảm an toàn nông sản và rơm rạ cho chăn nuôi. Những diện tích còn lại (mật độ rầy trên 1500 con/m2) thực hiện phun triệt để xong chậm nhất đến 11/9. Sử dụng các loại thuốc như Penalty 40 WP, Sectox 10WP, Conphai 700 WG, Amira 25 WG, Actara 25 WP,..  hỗn hợp với các thuốc Bassa 50EC, Bassan 50ND,  Jetan 50 EC, Superista 25EC ... rẽ băng rộng 0,8 - 1 m, phun theo hướng dẫn kỹ thuật ghi trên vỏ bao thuốc và  phun kỹ vào gốc lúa.

+ Sâu cuốn lá: Chỉ phun phòng trừ sâu trên các ruộng chưa trỗ bông khi mật độ sâu non trên 20 con/m2 (2 khóm có 1 con trở lên). Sử dụng các loại thuốc đặc hiệu như: Regent 800WG; Rigell 800 WG; Finico 800 WG; Oncol 25 WP; Tasodant 600 EC; Silsau 5.0 EC,... hỗn hợp với thuốc Pertox 5 EC, Fastac 5EC,…pha và phun theo hướng dẫn kỹ thuật ghi trên vỏ bao bì. Thời gian phun xong chậm nhất trước 12/9.

+ Bệnh khô vằn: Ruộng có tỷ lệ dảnh hại trên 20%, dùng thuốc Lervil 5SC, Validacin 5SL, Anvil 5 SC, Tilt Super 300 ND, ... phun theo hướng dẫn kỹ thuật ghi trên bao bì.

* Chú ý: Diện tích lúa bị nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng và khô vằn trên diện tích lúa đã trỗ thì sử dụng thuốc Bassa phối hợp với thuốc trừ khô vằn rẽ băng rộng 0,8 - 1,0 m, phun kỹ 2 bình thuốc/sào. Với ruộng chưa trỗ phun diện tích bị nhiễm cả sâu cuốn lá và rầy nâu, rầy lưng trắng thì sử dụng hỗn hợp thuốc Regent, rigell,…với thuốc Actara, Confidor, Conphai, …phun không phải rẽ băng.

Nơi nhận:

- LĐ thị uỷ, UBND thị (để B/C);

- Chi cục BVTV (để B/C);

- Các phòng ban, đoàn thể LQ;

- UBND các xã, phường TT;

- Các HTX nông nghiệp;

- Lưu.

TRẠM BẢO VỆ THỰC VẬT PHÚ THỌ

TRƯỞNG TRẠM

DƯƠNG THƯ

Các thông báo sâu bệnh khác
Loading...