Tăng cường công tác phòng trừ sâu bệnh
Lâm Thao - Tháng 5/2009

(Từ ngày 04/05/2009 đến ngày 31/05/2009)

UỶ BAN NHÂN DÂN

HUYỆN LÂM THAO


Số:  506 /UBND - NN

“V/v Tăng cường chỉ đạo phòng trừ

sâu, bệnh vụ chiêm xuân 2009”

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc Lập - Tự do - Hạnh Phúc


Lâm Thao, ngày 4  tháng 5  năm 2009

                       Kính gửi:

                                         - Các thành viên BCĐ sản xuất nông nghiệp huyện.

                                         - UBND, HTX NN các xã, thị trấn.

Hiện nay, lúa chiêm xuân đang trong giai đoạn trỗ bông - chín sữa. Sâu bệnh đã phát sinh phát triển và gây hại nhẹ - trung bình, cục bộ nặng. Qua kiểm tra thực tế tại các xã, thị trấn, hiện nay trên đồng ruộng xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh: Bọ rầy các loại, bệnh khô vằn, bệnh đạo ôn, chuột,… có nguy cơ gây hại tới năng suất lúa.

Thời gian vừa qua, công tác chỉ đạo sản xuất nông nghiệp của một số xã còn chưa sâu sát, có biểu hiện chủ quan, chưa quyết liệt, đã để sâu bệnh gây hại nặng cục bộ, không thực hiện nghiêm túc việc báo cáo tình hình về UBND huyện (Cao Xá, Xuân Lũng, Vĩnh Lại, Sơn Vi, Xuân Huy, Tiên Kiên,…).

Để đảm bảo an toàn cho đồng ruộng, hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra, UBND huyện yêu cầu:

1. UBND các xã, thị trấn:

Chỉ đạo tổ khuyến nông cơ sở phối hợp với HTX Dịch vụ Nông nghiệp & Điện năng tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện kịp thời các đối tượng sâu bệnh hại, thông báo và chỉ đạo phòng trừ trên những diện tích vượt ngưỡng.

Hướng dẫn nhân dân biện pháp kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh theo huớng dẫn đính kèm văn bản này.

2. Các thành viên BCĐ sản xuất nông nghiệp huyện:

Trực tiếp đến các xã, thị trấn được phân công phụ trách, nắm bắt diễn biến sâu bệnh, chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện các biện pháp phòng trừ.

3. Trạm BVTV huyện:

Tiếp tục điều tra phát hiện, dự tính dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình sâu bệnh, ra thông báo và hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng trừ. Phối hợp với các phòng, ban chuyên môn huyện tổ chức tập huấn cho nhân dân về kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, quản lý chặt trẽ việc sử dụng và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn.

4. Đài truyền thanh huyện:

Tăng cường thời lượng phát sóng tuyên truyền về tình hình sâu bệnh trên đồng ruộng, phối hợp với Trạm BVTV huyện viết bài, đưa tin về diễn biến tình hình sâu bệnh và hướng dẫn nông dân kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh.

UBND huyện yêu cầu các thành viên BCĐ sản xuất, các phòng, ban, ngành, đoàn thể và UBND các xã, thị trấn thực hiện tốt việc chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh cho cây lúa, đảm bảo an toàn đồng ruộng và đạt hiệu quả cao./.

Nơi nhận:

- Sở NN & PTNT tỉnh (báo cáo);

- Chi cục BVTV tỉnh;

- Chủ tịch và P. Chủ tịch UBND huyện;

- Như kính gửi;

- Phòng NN&PTNT, Trạm KN, Trạm BVTV,

Đài TT;

- Lưu.

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN

KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH

Hoàng Văn Tuyển

  

  

  

BÁO CÁO NHANH DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH SÂU BỆNH HẠI LÚA CHIÊM XUÂN VÀ CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO PHÒNG TRỪ

(Đến ngày 5/5/2009)

Thực hiện chỉ thị số 05/CT - UBND ngày 22 tháng 4 năm 2009 của UBND huyện Lâm Thao chỉ đạo, phát động cao điểm phòng trừ sâu bệnh hại lúa vụ chiêm xuân. Trạm BVTV Lâm Thao tổng hợp báo cáo diễn biễn tình hình sâu bệnh hại và công tác chỉ đạo phòng trừ đến ngày 5/5/2009 như sau:

I. DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH SÂU BỆNH HẠI:

1. Rầy các loại (Rầy nâu, rầy xám, rầy lưng trắng):

- Tổng diện tích nhiễm 346 ha, trong đó nhiễm nặng 60 ha. Diện tích đã phòng trừ 346 ha, trong đó diện tích phun 1 lần là 286 ha, diện tích phun 2 lần là 60 ha.

- Hiện tại: Mật độ trung bình 300 con/m2, cao 1600 con/m2, cục bộ 8.000con/m2; Mật độ trứng trung bình 500 quả/m2, cao 2.000 quả/m2, cục bộ trên 5000 quả/m2.

 - Dự báo: Trứng rầy tiếp tục nở, mật độ rầy tiếp tục tăng cao và gây hại trên các trà lúa, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại  nặng gây cháy ổ nếu không phòng trừ kịp thời. Dự kiến diện tích nhiễm cần phòng trừ khoảng 100 ha.

2. Bệnh khô vằn:

- Tổng diện tích nhiễm 1.460 ha, trong đó nhiễm nặng 60 ha. Diện tích đã phòng trừ 1.000 ha.

- Hiện tại: Bệnh phát triển gây hại trên diện rộng; Tỷ lệ dảnh hại trung bình 15%, cao 30%, cục bộ 55%. Cấp bệnh chủ yếu cấp 3, 5.

* Dự báo: Bệnh tiếp tục phát triển, lây lan nhanh và gây hại bộ lá đòng của các trà, mức độ hại nhẹ đến trung bình, cục bộ hại nặng trên các ruộng thâm canh cao, bón thừa đạm; ruộng dộc chua, ruộng cao hạn. Dự kiến diện tích cần phòng trừ khoảng 300 ha.

3. Bệnh đạo ôn:

- Tổng diện tích nhiễm 154 ha, trong đó nhiễm nặng 3 ha. Diện tích đã phòng trừ 154 ha.

- Hiện tại: Tỷ lệ bông bạc trung bình 0,2 %, cao 1%, cục bộ ổ 15,5%.

- Dự báo: Bệnh tiếp tục gây hại trên cổ bông, nếu thời tiết mát, ẩm độ không khí cao, bệnh có thể gây hại nặng trên các giống lúa chất lượng cao, lúa nếp.

4. Chuột hại:

- Hiện tại: Gây hại trên các trà, tỉ lệ dảnh hại trung bình 0,3%, cao 4%, cục bộ  5,5%. Diện tích nhiễm là 340 ha.

- Dự báo: Chuột tiếp tục gây hại mạnh do thức ăn đòng lúa rất phù hợp.

5. Bệnh bạc lá:

- Hiện tại: Bệnh đã xuất hiện cục bộ trên diện hẹp. Tỷ lệ lá hại trung bình 0,3%, cao 7%.

- Dự báo: Nếu thời tiết có mưa bão, bệnh sẽ bùng phát lây lan rất nhanh gây cháy khô toàn bộ lá, đặc biệt trên các giống lúa lai, ruộng bón nhiều đạm. Dự kiến diện tích nhiễm cần phòng trừ là 1 ha.

6. Bọ xít dài:

- Hiện tại: Bọ xít dài gây hại nhẹ đến trung bình trên diện tích lúa giai đoạn trỗ bông; mật độ phổ biến 0,3 con/m2, cao 2con/m2.

- Dự báo: Bọ xít tiếp tục di chuyển gây hại trên các trà, mức độ hại nhẹ, cục bộ hại nặng trên các ruộng lúa nếp, lúa thơm và ruộng trỗ muộn.

7. Châu Chấu:

- Hiện tại: Châu chấu gây hại nhẹ đến trung bình mật độ phổ biến 0,2 con/m2, cao 2 con/m2, cục bộ 8 con/m2. Diện tích nhiễm là 528 ha; Diện tích đã phòng trừ là 120 ha.

- Dự báo: Châu chấu tiếp tục phát sinh phát triển và di chuyển gây hại trên các trà, mức độ hại nhẹ, cục bộ hại nặng.

Ngoài ra, bệnh vàng lá chín sớm, bệnh đen lép hạt,... hại nhẹ - trung bình.

II/ CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO PHÒNG TRỪ:

Lãnh đạo UBND huyện, BCĐ SX nông nghiệp đã đi kiểm tra, nắm bắt tình hình và chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh tại 14/14 xã thị trấn.

Trạm BVTV huyện đã huy động toàn thể cán bộ công chức làm việc cả ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật, ngày lễ để tăng cường điều tra sâu bệnh, ra thông báo định kỳ 10 ngày 1 lần về diễn biến sâu bệnh hại và hướng dẫn phòng trừ.

Đánh giá chung đến ngày 5/5/2009, các các xã, thị trấn đều tích cực, quyết liệt chỉ đạo phòng trừ sâu bệnh hại trên lúa, chủ động vật tư thuốc BVTV đầy đủ, chưa sảy ra hiện tượng thiếu thuốc hay nâng giá bán trong cao điểm.

III/ BIỆN PHÁP CHỈ ĐẠO THỜI GIAN TỚI:

Do sâu bệnh sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới, để chủ động phòng trừ sâu bệnh bảo vệ an toàn cho sản xuất, UBND huyện tiếp tục chỉ đạo các xã, thị trấn huy động, đôn đốc cán bộ khuyến nông cơ sở và bà con nông dân tăng cường kiểm tra sâu bệnh trên đồng ruộng, phát hiện sớm và phòng trừ triệt để các ổ sâu bệnh trên lúa theo hướng dẫn của ngành BVTV, đặc biệt chú ý đối tượng: Rầy nâu, châu chấu, bạc lá,...

Kỹ thuật phòng trừ:

1. Bệnh khô vằn: Ruộng có tỷ lệ dảnh hại trên 20%, sử dụng các loại thuốc Tilt Super 300EC, Aloannong 50SL, Lervil 5SC, Validacin 5SL,... phun theo hướng dẫn kỹ thuật ghi trên bao bì.

2. Rầy nâu, rầy lưng trắng: Ruộng có mật độ rầy cám (tuổi 1, 2) trên 1.500 con/m2 (30 con/khóm), sử dụng các loại thuốc Midan 10WP, Oncol 25 WP, Sectox 10WP, Conphai 700 WG,.. hỗn hợp với thuốc Azora 350 EC, Bassa 50EC, Superista 25EC ... theo hướng dẫn kỹ thuật ghi trên vỏ bao thuốc phun kỹ vào gốc lúa.

 Lưu ý: Trên những ruộng mật độ cao, sau phun thuốc 3 - 5 ngày kiểm tra lại nếu mật độ còn cao thì phải phun lại lần 2.

3. Bệnh đạo ôn: Trên trà muộn chưa trỗ - bắt đầu trỗ, nếu khu ruộng đã có đạo ôn lá, phải phun phòng đạo ôn cổ bông cho toàn bộ các ruộng lúa nếp, lúa chất lượng cao bằng các loại thuốc đặc hiệu: Bamy 75WP, Bump 80 WP, Aloannong 50SL, Fu-army 40EC, Fuji once 40WP,... phun theo hướng dẫn kỹ thuật ghi trên bao bì.

4. Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Khi ruộng bị bệnh, dùng thuốc: Starner 20WP, Xanthomix 20WP, Sansai 20WP, Sasa 20WP,... phun phòng trừ theo hướng dẫn kỹ thuật trên vỏ bao bì.

5. Chuột hại: Tăng cường các biện pháp tổng hợp để phòng trừ chuột; Phát động diệt chuột bằng thuốc sinh học trên diện rộng để tăng hiệu quả.

6. Châu chấu: Ruộng có mật độ châu chấu trên 6 con/m2, sử dụng các loại thuốc Fastac 5 EC, Pertox 5EC, Bestox 5 EC,... pha và phun theo hướng dẫn trên vỏ bảo bì.

7. Bọ xít dài: Ruộng có mật độ bọ xít trên 6 con/m2, sử dụng các loại thuốc Pertox 5EC, Fastac 5 EC, Bestox 5 EC,... pha và phun theo hướng dẫn trên vỏ bảo bì; Chú ý phun vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát.

Ngoài ra, cần phun phòng trừ bệnh vàng lá chín sớm, bệnh đen lép hạt,... bằng các thuốc đặc hiệu.

Các thông báo sâu bệnh khác
Loading...