Phương án BVTV vụ Chiêm xuân 2013-2014
Việt Trì - Tháng 12/2013

(Từ ngày 01/01/1754 đến ngày 31/12/9999)

CHI CỤC BVTV TỈNH PHÚ THỌ

  TRAM BVTV TP VIỆT TRÌ

           ........................

        Số: 23/ BC - BVTV

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

             Độc Lập- Tự do- Hạnh phúc

....................    

        Việt Trì, ngày 23  tháng 12 năm 2013

PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ THỰC VẬT

VỤ CHIÊM XUÂN NĂM 2013- 2014

-------------------------

Để báo vệ sản xuất, góp phân thực hiện chỉ tiêu kế hoạch an toàn lương thưc trên địa bàn thành phố Việt Trì. Trạm BVTV Việt Trì xây dựng phương án BVTV vụ chiêm xuân năm 2013 - 2014 như sau:

I, MỤC TIÊU CỦA CÔNG TÁC BVTV:

Thực hiện tốt công tác điều tra DTDB sâu bệnh, đảm bảo an toàn sâu bệnh cho lúa 1400 ha, ngô 150 ha, rau các loại 133 ha, lạc 40 ha, sắn 160 ha. Hạn chế thiệt hại do sâu bệnh gây ra trên lúa dưới 1% .

Triển khai, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Nâng cao nhận thức cho nông dân về công tác BVTV, nhất là kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh.

Thực hiện tốt quản lý nhà nước về BVTV và KDTV, hạn chế tình trạng kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV vi phạm pháp luật, phát hiện và ngăn chặn các đối tượng KDTV xâm nhập, lây lan gây hại cây trồng.

II, ĐẶC ĐIỂM CỦA SẢN XUẤT VỤ CHIÊM XUÂN 2013-2014:

1. Thời tiết: Theo dự báo của Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Việt Bắc, vụ đông xuân 2013-2014: 

Nền nhiệt vụ chiêm xuân 2013-2014 phổ biến ở mức cao hơn so với TBNN. Trong đó các tháng đầu vụ đến giữa vụ khả năng ở mức xấp xỉ TBNN; Các tháng cuối vụ khả năng ở mức cao hơn TBNN. Đợt rét đậm đầu tiên khả năng sẽ xuất hiện khoảng vào giữa tháng 12/2013, các đợt rét đậm tập trung nhiều trong tháng 1 đến nửa tháng 2, rét đậm kéo dài 7-10 ngày có thể sẩy ra trong tháng 1/2014. Nhiệt độ thấp nhất vụ đông xuân khả năng xuống đến 7 - 90C.

Tổng lượng mưa vụ đông xuân 2013 - 2014 xấp xỉ TBNN; các tháng đầu vụ có khả năng thấp hơn một ít so với TBNN, các tháng cuối vụ có khả năng cao hơn so với TBNN. Các tháng đầu năm từ tháng 01 đến tháng 4/2014 có khả năng sẩy ra tình trạng thiếu nước và khô hạn.

2. Cây trồng:  

* Theo định hướng bố trí Cơ cấu giống và thời vụ của UBND thành phốViệt Trì, vụ đông xuân 2013 - 2014 như sau:

+ Trà chiêm xuân sớm: diện tích 280 ha (chiếm 20,0%). gồm các giống Nếp địa phương, X21, Xi23, ...

+ Trà xuân muộn: diện tích 1120 ha (chiếm 80,0%). gồm các giống KD18, Syn 6, NU 838, TNU 9, NU số 7, Thục hưng 6, TH 3-5, TBR 45, Việt lai 20…

- Cây màu, cây công nghiệp ngắn ngày: Ngô DK6654, DK6919, LVN99, LVN4, NK4300; Lạc L14, L26, TB 25, MD7; Đậu tương DT84, DT 26.

3. Nguồn sâu bệnh:

Do nền nhiệt độ toàn mùa cao hơn so với TBNN, nên nguồn sâu bệnh sẽ phát sinh phát triển mạnh hơn năm 2013; Tập trung ở một số đối tượng: Sâu đục thân, sâu cuốn lá, bọ rầy các loại ,bọ xít dài, ruồi, trĩ, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá ... Có xu hướng phát triển trong các tháng cuối vụ, mức độ gây hại cao hơn so với vụ đông xuân 2012 - 2013.

III DỰ BÁO TÌNH HÌNH SÂU BỆNH VỤ CHIÊM XUÂN 2013- 2014:

1, Dự báo chung:

Sâu bệnh phát sinh phát triển mức độ nhẹ  -  trung bình, cục bộ nặng; Quy mô và mức độ gây hại tương đương với vụ chiêm xuân  năm 2012 - 2013. Cao điểm dịch hại: Dự kiến có hai cao điểm phát sinh:

+ Cao điểm 1: Từ giữa tháng 3 cho đến cuối tháng 4: Tập chung một số đối tượng chính như: bệnh đạo ôn, ruồi đục nõn, bọ trĩ, bệnh sinh lý, rầy trắng đầu đỏ, sâu đục thân, chuột.. mức độ hại nhẹ - TB, cục bộ nặng.

+ Cao điểm 2: Trong tháng 5 các đối tượng chủ yếu gồm bọ rầy, bọ xít, bệnh khô vằn, sâu đục thân, sâu cuấn lá, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá, chuột...Mức độ hại nhẹ - TB, cục bộ nặng.

2, Đối tượng dịch hại chủ yếu:

a, Trên mạ:

Các đối tượng như chuột, bệnh sinh lý, ruồi trĩ, rầy các loại gây hại nhẹ đến trung bình. Cần chú ý chống rét cho mạ, chủ động nước tưới và tổ chức diệt chuột.

b, Trên lúa:                                                                          

- Bệnh sinh lý: Phát sinh phát triển trên diện rộng, chủ yếu giai đoạn lúa bén rễ hồi xanh trong tháng 2, tháng 3, bệnh phát triển và tăng nặng trong điều kiện thời tiết âm u, rét, và khô hạn kéo dài. Đặc biệt trên chân đất dộc, chua lầy, cát xô, bạc mầu, đất ô nhiễm nước thải, bệnh thường phát triển mạnh và gây hại nặng. Các xã, phường cần lưu ý: Thanh Miếu, Sông Lô, Trưng Vương, Minh Nông, Dữu Lâu, Hùng Lô, Thụy Vân... Để hạn chế bệnh sinh lý phát triển, Cơ sở sản xuất cần thực hiện đảm bảo các quy trình, biện pháp kỹ thuật, cải tạo đất; Làm đất kỹ, bón vôi, lân, phân chuồng hoai mục đầy đủ, không cấy lúa vào những ngày rét đậm (<15oC), không cấy sâu tay và chủ động việc tưới, tiêu nước.

- Ruồi, trĩ: Phát triển và gây hại chủ yếu trên lúa xuân muộn, giai đoạn lúa bén rễ, hồi xanh - đẻ nhánh trong tháng 2 đến tháng 3. Mức độ hại nhẹ  - TB, cục bộ nặng trên những ruộng cấy muộn, ruộng bị sinh lý sau phục hồi. Các xã cần lưu ý: Trưng vương, Thanh Miếu, Kim Đức, Hy Cương, Chu Hoá ,Thuỵ Vân, Minh Phương, Thanh Đình, Tân Đức, Bạch Hạc.... Để hạn chế ruồi, trĩ gây hại cần chỉ đạo cấy trà xuân muộn tập trung, đúng lịch thời vụ, chăm sóc bón phân đảm bảo kỹ thuật, tạo điều kiện cho cây sinh trưởng tốt. Đồng thời thường xuyên kiểm tra phát hiện diện tích nhiểm ruồi, trĩ cao và phòng trừ kịp thời.

- Bệnh đạo ôn: Bệnh phát sinh phát triển trong điều kiện thời tiết âm u, mưa phùn kéo dài trong tháng 3, tháng 4 trên các giống nhiễm: Nếp, các giống lai Trung Quốc, X21, Xi23. Mức độ hại nhẹ - TB, có thể gây cháy ổ trong tháng 4. Các xã cần lưu ý: Thanh Đình, Minh Phương, Chu Hóa, Dữu Lâu, Thuỵ Vân, Hùng Lô, Kim Đức, ...

+ Bệnh đạo ôn lá: Phát sinh từ đầu tháng 3, gây hại từ giữa tháng 3 đến hết tháng 4, giai đoạn lúa đẻ nhánh, đứng cái - làm đòng, mức độ hại nhẹ - TB.

+ Bệnh đạo ôn cổ bông: Gây hại từ cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, trong giai đoạn lúa trỗ bông - ngậm sữa. Mức độ hại nhe - TB. Trên diện tích nhiễm đạo ôn lá phải đề phòng đạo ôn cổ bông.

Biện pháp hạn chế đạo ôn: Áp dụng đồng bộ các biện pháp kỹ thuật SRI, nhất là phải bón phân cân đối NPK, bón sớm, bón tâp trung. Phát hiện bệnh sớm để có biện pháp phòng trừ triệt để, hạn chế bệnh lây lan khi điều kiện thời tiết thuận lợi, phải tổ chức phun thuốc phòng trừ khi lúa trỗ bông thấp thoi trên khu đồng, xứ đồng có nguồn bệnh.

- Bọ rầy các loại:

+ Rầy trắng đầu đỏ: Phát triển và gây hại mạnh giai đoạn lúa đẻ nhánh - làm đòng, mức độ hại nhẹ - TB, nặng cục bộ trên những diện tích bị ảnh tuế, ven làng, ruộng bón nhiều phân đạm. Rầy phát sinh và gây hại mạnh giai đoạn lúa bắt đầu đẻ nhánh đến trỗ bông ( Từ tháng 2 đến tháng 4 ). Các xã, phường cần lưu ý: Minh Nông, Minh Phương, Dữu Lâu, Vân Phú, Trưng Vương, Thanh Miếu, Kim Đức, Phượng Lâu, Chu Hóa, Thanh Đình, Hùng Lô, Sông Lô, ...

+ Rầy nâu, rầy lưng trắng: Phát triển và gây hại mạnh giai đoạn lúa làm đòng - trỗ - chín, mức độ hại TB - nặng cục bộ. Các xã phường có khả năng bị nhiễm rầy nặng: Kim Đức, Dữu Lâu, Vân Phú, Hùng Lô, Thanh Đình, Chu Hóa,Thụy Vân, Minh Phương, ...

Trong vụ có 3 lứa rầy nâu, rầy lưng trắng:

Rầy lứa 1: Rầy cám ra rộ khoảng giữa đến cuối tháng 3 trên lúa chiêm xuân sớm, giai đoạn lúa đẻ nhánh, mật độ lứa này thấp, không gây hại lớn.

Rầy lứa 2: Rầy cám ra rộ khoảng giữa đến cuối tháng 4, mức độ hại TB, cục bộ hại nặng trên ruộng vàn thấp, chiêm đầm. Giai đoạn này cần phòng trừ những diện tích có mật độ rầy cao từ 1500 c/m2 trở lên (30 con/khóm).

Rầy lứa 3: Rầy cám ra rộ từ giữa đến cuối tháng 5, gây hại trên lúa chiêm, xuân sớm, giai đoạn chắc xanh – chín; Trên lúa xuân muộn giai đoạn trỗ bông đến trắc xanh, đỏ đuôi. Mức độ hại TB - nặng cục bộ, có thể gây cháy cục bộ trên các giống nhiễm. Đây là lứa rầy hại chính trong vụ, cần theo dõi chặt chẽ và chủ động phòng trừ triệt để trên những diện tích nhiễm 1500 c/m trở lên.

- Chuột hại: Là đối tượng gây hại trong suốt vụ trên tất cả các trà. Chuột phá hại nặng nhất vào giai đoạn mạ mới gieo, lúa đứng cái, làm đòng, trên các chân ruộng cao, tiếp giáp ven làng, đồi, gò, khu nghĩa trang, bờ trục lớn, ...

Để hạn chế chuột hại hàng vụ, hàng năm các cơ sở cần phải xây dựng kế hoạch tổ chức các đợt diệt chuột tập trung vào các thời điểm thích hợp trong năm (trước và trong thời điểm gieo mạ, sau khi thu hoạch cây vụ đông; Trước thời điểm lúa giai đoạn làm đòng). Tăng cường khuyến cáo nhân dân phát triển nuôi mèo và sử dụng bả chuột sinh học, hạn chế việc dùng thuốc hoá học diệt chuột.

- Bệnh khô vằn: Là đối tượng phát sinh phát triển và gây hại phổ biến trên toàn bộ diện tích, từ khi lúa đẻ nhánh, làm đòng - đến chín. Bệnh phát triển và lây lan mạnh nhất từ khi lúa đứng cái, làm đòng - trỗ bông, vào chắc (trong tháng 4, tháng 5). Mức độ hại TB - nặng trên những ruộng cấy dầy, bón phân không cân đối, bón nhiều phân đạm. Các xã, phường cần lưu ý: Thanh Miếu, Sông Lô, Thuỵ Vân, Thanh Đình, Chu Hoá, Hy Cương, Kim Đức, Tân Đức, Bạch Hạc, Trưng Vương, Dưu Lâu, Hùng Lô, ...

+ Biện pháp phòng ngừa bệnh: Thực hiện đảm bảo quy trình kỹ thuật trong sản xuất, thực hiện các biện pháp IPM. Phát hiện sớm những diện tích bị bệnh để có biện pháp chủ động phòng trừ, hạn chế bệnh phát triển lây lan.

- Sâu đục thân: Vụ xuân có 2 lứa gây hại chính:

+ Đục thân lứa 1: Bướm ra rộ từ giữa đến cuối tháng 3, sâu non gây dảnh héo trên lúa chiêm, xuân sớm, mức độ hại nhẹ. Giai đoạn này cây lúa đang đẻ nhánh, có khả năng đền bù về dảnh lớn, do vậy cần tập trung chăm sóc, không phun thuốc hoá học để bảo vệ thiên địch

+ Đục thân lứa 2: Bướm ra rộ từ đầu đến giữa tháng 5, sâu non gây bông bạc trên lúa xuân muộn, mức độ hại nhe - TB, cục bộ nặng. Đây là lứa gây hại chính trong vụ, cần kiểm tra giám sát chặt chẽ để chủ động trong công tác phòng trừ. Lưu ý trên những diện tích lúa trỗ bông muộn. Thời gian phòng trừ sau bướm rộ 5-7 ngày, tránh phun thuốc quá muộn khi bông đã bị hại.

- Sâu cuấn lá nhỏ: Trong vụ có 3 lứa gây hại:

+  Lứa 1: Bướm ra rộ khoảng đầu tháng 3, sâu non lứa này gây hại nhẹ trên lúa chiêm xuân sớm, lứa này không cần phòng trừ.

+ Lứa 2: Bướm ra rộ từ đầu đến giữa tháng 4, sâu non gây hại trên lúa chiêm xuân sớm giai đoạn làm đòng; Trên lúa xuân muộn giai đoạn đẻ nhánh - đứng cái, mức độ hại nhẹ - TB, cục bộ nặng ổ. Lứa này chỉ phòng trừ trên diện tích có mật độ sâu cao ( 20c/m2) trở lên đối với lúa giai đoạn làm đòng và (50 con/ m2) trở lên đối với lúa giai đoạn đẻ nhánh.

+ Lứa 3: Bướm ra rộ khoảng đầu tháng 5, sâu non gây hại trên lúa xuân muộn giai đoạn trỗ bông, phơi mầu, mức độ hại nhẹ - TB, cục bộ nặng trên những ruộng cấy muộn, trỗ bông muộn.

- Bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn: Bệnh có thể phát sinh phát triển và gây hại trên lúa giai đoạn làm đòng - trỗ bông - chắc xanh, trong tháng 4, tháng 5, sau các trận mưa bão.

Để hạn chế bệnh, các Cơ sở cần hướng dẫn cho nông dân cấy đúng mật độ, bón phân cân đối, không bón đạm muộn. Kiểm tra phát hiện bệnh sớm và phòng trừ các ổ dịch để hạn chế bệnh lây lan.

Các xã, phường cần lưu ý: Thụy Vân, Thanh Đình, Bạch Hạc, Dữu Lâu, Sông Lô, Thanh Miếu, Trưng Vương,...

c) Trên cây trồng khác:

- Ngô đông xuân: Chuột hại nhẹ giai đoạn gieo hạt – mới mọc; hại nhẹ - TB giai đoạn ngô làm hạt; Sâu sám, sâu đục thân, châu chấu hại nhẹ giai đoạn cây con; Bệnh khô vằn, đốm lá, rệp cờ, đục thân phát sinh phát triển giai đoạn xoáy nõn - trỗ cờ - chín sáp, mức độ hại nhẹ - TB, cục bộ nặng.

- Trên rau: Sâu tơ, sâu khoang, rệp, bọ nhảy gây hại phổ biến, mức độ hại TB - nặng; Sâu đục quả, rệp gây hại mạnh trên đậu đỗ, mức độ hại TB, cục bộ nặng; Bệnh sương mai, thối nhũn hại nhẹ - TB trên rau.

III/  BIỆN PHÁP TỔ CHỨC THỰC HIỆN :

Để thực hiện mục tiêu đề ra, cần phải có biện pháp tổ chức cụ thể và phát huy những kết quả đạt được qua các năm. Khắc phục những khó khăn, tồn tại. Phương án BVTV vụ chiêm xuân 2013 - 2014 xác định những biện pháp chủ yếu sau:

 1, Xây dựng và củng cố màng lưới khuyến nông BVTV Cơ sở:

 Công tác khuyến nông, BVTV ở Cơ sở xác định là nhiệm vụ quan trọng, phài được củng cố tổ khuyến nông, BVTV để đáp ứng yêu cầu sản xuất hiện nay. Tồ khuyến nông BVTV có nhiệm vụ điều tra DTDB sâu bệnh, nắm bắt tình hình sâu bệnh trên địa bàn; Tham mưu cho UBND phường, xã về công tác BVTV. Từ đó triển khai việc tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh.

2, Thực hiện công tác điều tra DTDB sâu bệnh và tổ chức phòng trừ:

+ Trạm BVTV thành phố thực hiện công tác điều tra DTDB định kỳ một tuần 1 lần và điều tra sâu bệnh bổ xung trước và trong các cao điểm, đảm bảo chính xác, kịp thời. Xác định rõ đối tượng, quy mô và mức độ gây hại. Thông báo và hướng dẫn kịp thời cho Cơ sở, đảm bảo về số lượng và chất lượng báo cáo theo quy định chuyên môn của ngành.

+ Tổ khuyến nông, BVTV Cơ sở phải chủ động nắm tình hình sâu bệnh trên địa bàn, phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng ( mỗi tuần 1 lần), trong cao điểm (mỗi tuần 2 lần). Căn cứ vào kết quả kiểm tra tham mưu cho UBND phường, xã, để có biện pháp phòng trừ cụ thể.

 Đối với hộ nông dân phải thường xuyên thăm đồng đến từng thửa ruộng để phát hiện sâu bệnh kịp thời, hoặc kiểm tra theo thông báo của tổ khuyến nông, BVTV và thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu bệnh theo thông báo của Chính quyền và hướng dẫn của ngành BVTV.

3, Tổ chức chỉ đạo:

- Từ thành phố xuống cơ sở duy trì sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ của các cấp Uỷ Đảng, Chính quyền, đoàn thể và các ngành liên quan đối với công tác BVTV, nhất là vào các cao điểm phòng trừ sâu bệnh, có sự chỉ đạo sát sao của ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, có sự phân công cán bộ phụ trách địa bàn để kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn nông dân thực hiện các biện pháp phòng trừ.

- Cấp thành phố: Tổ chức, triển khai phương án BVTV đến Cơ sở, thường xuyên thông báo tình hình sâu bệnh cho Cơ sở và hướng dẫn biện pháp phòng trừ; Tham mưu cho UBND thành phố ra các công văn chỉ đạo cần thiết. Phối hợp với các phòng ban thành phố chỉ đạo Cơ sở thực hiện công tác BVTV.

- Các cấp xã, phường: Cần có kế hoạch triển khai công tác BVTV hàng vụ, công tác chỉ đạo ở xã phải kết hợp: thông báo tình hình, hướng dẫn, chỉ đạo đôn đốc, tuyên truyền và tập huấn đến hộ nông dân. Khi cao điểm dịch hại cần triển khai phát động, chỉ đạo chiến dịch, tổ chức động viên nhân dân thực hiện.

- Tổ chức tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật BVTV cho cán bộ và nông dân, nâng cao trình độ dân trí, sự am hiểu công tác BVTV trong nhân dân. Không ngừng đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, tuyên truyền áp dụng chương trình IPM, SRI vào sản xuất.

- Nâng cao khả năng dịch vụ tổ khuyến nông , HTX nông nghiệp ở các khâu: giống, thuỷ lợi, vật tư NN, làm đất tập trung, nhất là việc tổ chức dịch vụ phun thuốc tập trung và cung ứng thuốc BVTV đặc hiệu đến hộ dân.

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước về BVTV và KDTV, nhất là việc kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV trên địa bàn, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật.

V/ ĐỀ NGHỊ:

Để triển khai tốt công tác BVTV vụ chiêm xuân 2013- 2014, góp phần cho bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Trạm BVTV thành phố Việt Trì đề nghị các cấp, các ngành, đoàn thể quan tâm phối hợp chỉ đạo, tuyên truyền công tác BVTV, nhất là vào các đợt cao điểm phòng trừ sâu bệnh.

Nơi nhận:

- Chi cục BVTV Phú Thọ;

- TTTU, HĐND, UBNDTP;

- Phòng Kinh Tế TP;

- UBND phường, xã, HTX;

- Lưu trạm.

TRẠM TRƯỞNG

Phạm Hùng

Các thông báo sâu bệnh khác
Loading...